Bảo vệ quyền riêng tư, tạo hành lang thông thoáng để dữ liệu trở thành động lực phát triển
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này bước đầu đã thiết lập khung pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân với nhiều quy định tiến bộ. Ghi nhận nỗ lực đó, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) đề xuất một số nội dung cụ thể, nhằm bảo đảm các quy định của Luật sẽ vừa nghiêm minh bảo vệ quyền riêng tư, vừa tạo hành lang thông thoáng để dữ liệu trở thành động lực phát triển mạnh mẽ, toàn diện.
Chiều nay, 12/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Thể chế hóa đầy đủ yêu cầu “đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính”
Góp ý cụ thể về việc thể chế hóa tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị là một Nghị quyết mang tính đột phá, tạo xung lực mới cho sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư Tô Lâm, trong phát biểu chỉ đạo về vấn đề này đã khẳng định: Phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số “là lựa chọn bắt buộc, là con đường duy nhất để đưa đất nước phát triển”.
Trong Nghị quyết 57-NQ/TW yêu cầu đổi mới tư duy pháp luật, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đồng thời nhấn mạnh phải khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, coi dữ liệu là “nguồn tài nguyên mới..., là tư liệu sản xuất mới” trong nền kinh tế số. Tổng Bí thư cũng chỉ đạo Nhà nước ưu tiên “hoàn thiện thể chế” và “bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu, bảo mật chủ quyền quốc gia”. Những định hướng chiến lược đó đòi hỏi phải được thể chế hóa đầy đủ thành pháp luật để thực thi.
.jpg)
Trong dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này bước đầu đã thiết lập khung pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ghi nhận nỗ lực đó, đại biểu Trần Văn Khải cho biết, nhiều quy định tiến bộ đã được đưa vào dự thảo Luật, như bảo đảm quyền của chủ thể dữ liệu (Điều 8), nghĩa vụ minh bạch và an toàn thông tin của bên kiểm soát, các biện pháp bảo vệ dữ liệu.
Đáng chú ý, dự thảo Luật đã thể hiện tinh thần khuyến khích đổi mới, theo đó miễn trừ một số yêu cầu về nhân sự bảo vệ dữ liệu cho doanh nghiệp khởi nghiệp 5 năm đầu (Điều 39.3); cho phép sử dụng dữ liệu cá nhân trong các chương trình thí điểm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mà không bị coi là mua bán dữ liệu (Điều 38.3). “Những điểm mới này phần nào phản ánh tinh thần “quản lý nhưng không cấm đoán cực đoan” của Nghị quyết 57-NQ/TW, đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo đại biểu, một nội dung cốt lõi mà Nghị quyết 57-NQ/TW đề ra, đó là yêu cầu “đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính” để phát triển kinh tế dữ liệu, chưa được thể chế hóa đầy đủ trong dự thảo luật.
“Dự thảo hiện đang thiên về bảo vệ dữ liệu, nhưng chưa chú trọng cơ chế phát huy giá trị dữ liệu; khoản 5, Điều 7 dự thảo Luật cấm tuyệt đối việc mua, bán dữ liệu cá nhân”. Cho rằng, quy định này bảo vệ quyền riêng tư, nhưng thiếu linh hoạt để khuyến khích khai thác, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển, đại biểu Trần Văn Khải lưu ý, chủ trương “loại bỏ tư duy không quản được thì cấm” của Đảng đòi hỏi thay vì “cấm tuyệt đối”, phải có phương thức quản lý cho phép “chia sẻ, thương mại hóa dữ liệu” dưới sự kiểm soát hợp lý.
Nếu Luật không mở đường cho khai thác dữ liệu an toàn, chúng ta sẽ khó xây dựng được thị trường dữ liệu lành mạnh; dữ liệu cá nhân có nguy cơ vẫn bị mua bán “chui” trên thị trường ngầm, Nhà nước không tận dụng được tài nguyên số này, đại biểu cảnh báo.
Cũng theo đại biểu, dự thảo Luật cũng còn thiếu quy định cụ thể để thể chế hóa kinh tế dữ liệu theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, đồng thời nêu rõ, nếu không bổ sung kịp thời nội dung trên, thì quá trình chuyển đổi số quốc gia có nguy cơ chậm lại, tụt hậu. Đồng thời, việc không có cơ chế cho kinh tế dữ liệu, thị trường dữ liệu minh bạch sẽ không hình thành; dữ liệu tiếp tục bị mua bán trái phép, xâm phạm quyền riêng tư của người dân, doanh nghiệp thiếu dữ liệu để đổi mới.
Vì thế, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi khoản 5, Điều 7 (về hành vi bị nghiêm cấm) theo hướng, thay quy định cấm tuyệt đối “mua, bán dữ liệu cá nhân” bằng cấm mua bán dữ liệu “khi không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu hoặc nhằm mục đích trái pháp luật”. Đồng thời bổ sung quy định, chủ thể dữ liệu tự nguyện chia sẻ dữ liệu của mình để nhận lợi ích sẽ không bị xem là vi phạm nếu tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu.
Đại biểu cũng đề nghị, nghiên cứu, bổ sung một điều trong Chương IV (về sử dụng dữ liệu cá nhân) theo hướng quy định Nhà nước khuyến khích chia sẻ, sử dụng dữ liệu đã được ẩn danh hoặc tổng hợp phục vụ nghiên cứu, phát triển công nghệ. Qua đó, hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở giữa Nhà nước và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế dữ liệu phát triển, bảo đảm không xâm phạm đời tư cá nhân.
“Những đề xuất trên nhằm bảo đảm Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân khi được thông qua sẽ vừa nghiêm minh bảo vệ quyền riêng tư, vừa tạo hành lang thông thoáng để dữ liệu trở thành động lực phát triển mạnh mẽ, toàn diện”, đại biểu Trần Văn Khải nêu rõ.
Nghiên cứu quy định tỷ lệ đại biểu chuyên trách tối thiểu
Với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, qua nghiên cứu, đại biểu Trần Văn Khải nhận thấy, dự thảo Luật đã sửa đổi một số điều khoản nhằm nâng cao chất lượng đại biểu.
Khoản 3 Điều 8 quy định ít nhất 35% người ứng cử ĐBQH là phụ nữ; tương tự, danh sách ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã cũng phải có tối thiểu 35% nữ. Quy định này sẽ góp phần tăng tỷ lệ nữ trúng cử, bảo đảm tính đại diện về giới.
Tại Điều 9, dự thảo Luật cũng yêu cầu khi xây dựng đề án bầu cử HĐND, Thường trực HĐND cấp tỉnh và cấp xã phải dự kiến cơ cấu thành phần hợp lý, có đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, cơ quan nhà nước, đơn vị kinh tế và chú trọng đại biểu dân tộc thiểu số phù hợp đặc điểm địa phương. Điều này nhằm bảo đảm đội ngũ đại biểu HĐND được chọn từ nhiều thành phần, phản ánh đầy đủ các tầng lớp nhân dân.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng ĐBQH và đại biểu HĐND, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, nên nghiên cứu quy định tỷ lệ đại biểu chuyên trách tối thiểu. Theo đó, cần bổ sung điều khoản bảo đảm tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách ngay từ khâu ứng cử (ví dụ ít nhất 40% tổng số ĐBQH). Việc này sẽ tăng số đại biểu chuyên nghiệp, dành toàn thời gian cho công tác Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động; đồng thời giảm hợp lý đại biểu kiêm nhiệm ở cơ quan hành pháp, tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đại biểu Trần Văn Khải cũng đề nghị, cần nghiên cứu nâng cao tiêu chuẩn và sàng lọc ứng viên theo hướng, quy định rõ tiêu chuẩn ứng cử viên (về phẩm chất, trình độ) và các trường hợp không được ứng cử để sàng lọc từ đầu. Quy trình hiệp thương, lấy ý kiến cử tri cần minh bạch, chặt chẽ hơn, kịp thời loại bỏ những ứng viên không đủ uy tín, không xứng đáng đại diện cho dân.