Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Chu Hồng Thanh, Giảng viên Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng chủ trì Hội thảo.
Cùng tham dự có: đại diện Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, trường phổ thông, hiệp hội...
Các đại biểu tham dự Hội thảo cơ bản tán thành với việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục; khẳng định tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục - yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho nhà giáo phát triển…
Một số ý kiến nêu rõ, các quốc gia trên thế giới đều có quy định pháp luật điều chỉnh với nhà giáo nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và bảo vệ quyền lợi của giáo viên. Song, hình thức pháp luật điều chỉnh đối với nhà giáo ở các nước khác nhau, đa số các quốc gia tích hợp quy định với nhà giáo vào các bộ luật, luật chuyên ngành liên quan, chỉ có rất ít quốc gia xây dựng luật điều chỉnh riêng với nhà giáo.
Một số ý kiến lưu ý, dự án Luật Nhà giáo điều chỉnh đối với một chủ thể cụ thể, nên theo kinh nghiệm thế giới, tại luật này chỉ nên quy định về tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề; điều kiện làm việc và nghĩa vụ; quy trình tuyển dụng và sa thải; đạo đức nghề nghiệp; phân cấp quản lý.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đưa ra quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng phù hợp với đạo luật điều chỉnh với một chủ thể cụ thể này; làm rõ mối quan hệ của dự thảo Luật Nhà giáo với các luật hiện hành trong đó có Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Viên chức, Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Nhiều ý kiến đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật về khái niệm nhà giáo để định danh rõ hơn cho chức danh nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta.
Tiếp tục bổ sung thêm một số quy định về điều kiện làm việc, nghĩa vụ, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với đặc thù của ngành nghề này, qua đó tạo động lực, mục tiêu phấn đấu, cũng như giúp nhà giáo có công cụ thực hiện giảng dạy tự do và khai phóng…
Đồng thời, nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù nổi trội với nhà giáo, nhất là có chính sách thu hút nhân tài đặc biệt tham gia vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo; các chính sách cần công bằng giữa hệ thống đào tạo công lập và ngoài công lập.
Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, dự án Luật Nhà giáo đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến với dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ Tám và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.
Hiện nay, lĩnh vực giáo dục được điều chỉnh bởi nhiều luật như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức...
Do dự án Luật Nhà giáo có nhiều nội dung giao thoa với các luật, bộ luật khác trong hệ thống pháp luật, nên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, các cơ quan rất cần nhận được nhiều ý kiến góp ý về những chính sách lớn của dự án luật; đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh; sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật… để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội.
Ghi nhận các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến hữu ích góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển khẳng định, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ tổng hợp khách quan, đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học góp ý với dự thảo Luật Nhà giáo để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi đến Ủy ban chủ trì thẩm tra.