Bảo vệ quyền con người là nguyên tắc tối thượng

Phương Thủy 10/11/2015 08:21

Trước thực tế số lượng người tự sát hoặc chết vì lý do khác trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam khá nhiều, khi thảo luận về Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam, các ĐBQH đã tập trung phân tích nguyên nhân của tình trạng này. Từ quá trình thảo luận, yêu cầu bảo đảm các quyền cơ bản của con người và một số quyền công dân đã được các ĐBQH nêu cao. Thực hiện tốt yêu cầu này không chỉ giúp bảo đảm sức khỏe và tính mạng cho người bị tạm giữ, tạm giam, mà còn vì bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người cũng là nguyên tắc tối thượng của luật pháp.

Ngăn ngừa hiện tượng tự sát tại trại tạm giam

Trong thời gian qua, những người tự sát hoặc chết vì các nguyên nhân khác trong giai đoạn tạm giữ, tạm giam khá nhiều. Tỷ lệ chết trong giai đoạn này cao hơn so với người chết trong giai đoạn đang thi hành án ở các trại giam. Nguyên nhân chủ yếu do những người bị tạm giữ, tạm giam thường có tâm lý lo sợ, hoang mang, xấu hổ, nên dễ có hành động bộc phát. Bên cạnh đó, những việc làm chưa đúng của cán bộ công an và các quy định hiện hành chưa tạo thuận lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đáng tiếc nêu trên. Đặc biệt, điều kiện của nơi tạm giữ, tạm giam còn khó khăn, số chỗ tạm giữ mới có 19.000 chỗ và số chỗ tạm giam là 10.316 chỗ, trong khi, nhu cầu thực tế cao hơn gấp 3 - 4 lần. Cơ sở vật chất khó khăn nên trong một số địa điểm không thể phân loại, phân khu người bị tạm giữ, tạm giam, mà đưa vào chung một buồng giữ - là nguyên nhân của nhiều vụ tự sát trong giai đoạn này.

ĐBQH thảo luận tại Hội trường Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH thảo luận tại Hội trường  Ảnh: Quang Khánh

Quá trình khảo sát, giám sát về công tác tạm giữ, tạm giam tại một số địa phương của Ủy ban Tư pháp cho thấy, hầu hết các nhà tạm giữ của Công an cấp huyện cũng như buồng tạm giữ trong Trại tạm giam đều có số lượng phòng hạn chế. Trong khi đó, một số vụ án có số người bị tạm giữ, tạm giam đông, nên việc quy định không tạm giữ, tạm giam chung những người trong cùng một vụ án trong mọi trường hợp là rất khó khả thi. Ngoài ra, người bị tạm giữ, tạm giam là người chưa thành niên khi mới bị tạm giữ, tạm giam thường có biểu hiện tâm lý không ổn định thì Nhà tạm giữ, Trại tạm giam vẫn cần bố trí một đến hai người đã thành niên chấp hành tốt kỷ luật, nội quy tạm giữ, tạm giam cùng sinh hoạt với họ để kiểm soát hành vi, khuyên răn, tránh việc họ tự sát hoặc tự gây thương tích cho mình. Do đó, Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam quy định, người đồng tính, chuyển giới, bị kết án tử hình, mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần và phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng nhau sẽ có thể được ở trong buồng riêng.

Việc xác định cụ thể các đối tượng có thể được ở trong buồng riêng là quy định tiến bộ so với hiện hành, sẽ góp phần hạn chế tình trạng tự sát hoặc bị chết vì nguyên nhân khác tại nơi tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) băn khoăn, tại sao chỉ quy định có thể mà không áp dụng bắt buộc? Điều kiện nào sẽ thực hiện việc bố trí buồng giam riêng và khi nào không thực hiện? Khi có sự cố xảy ra trong quá trình giam chung thì ai là người chịu trách nhiệm? Trong khi quy định của Dự thảo Luật chưa rõ ràng, không tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện, thì cũng không khó để thấy sự bất cập nếu không bố trí phòng giam riêng cho những đối tượng này. Ngoài ra, những người bị tạm giữ, tạm giam chỉ mới bị hạn chế một số quyền con người và quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật quy định - ĐB Nguyễn Thị Khá nêu vấn đề, nên phải bắt buộc bố trí buồng giam riêng các đối tượng nêu trên để họ được bảo đảm tính mạng và sức khỏe.

Cần minh oan cho người đã chết

Những vụ việc người bị tạm giữ, tạm giam tự sát hoặc bị chết vì nguyên nhân khác trong giai đoạn tiền khởi tố đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm đã chết, không thể tiếp tục điều tra, thì vụ án sẽ bị đình chỉ điều tra. Việc điều tra lại sẽ được phục hồi vào thời điểm nào không có quy định cụ thể, nên gần như không có câu trả lời cuối cùng là những người này có thực sự phạm tội hay không. Do đó, ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đề nghị, cơ quan chức năng cần bổ sung vào Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam các quy định về việc minh oan cho người bị chết trong giai đoạn điều tra. Minh oan cho những người bị oan đang bị tạm giam đã gian khó, minh oan cho người đã chết còn gian khó hơn nhiều vì cơ chế minh oan còn nhiều bất cập. Song, ĐB Lê Minh Hiền nhấn mạnh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là nguyên tắc tối thượng của pháp luật, nên Dự thảo Luật cần quy định cụ thể về trường hợp này để giải oan cho người bị buộc tội oan bị chết trong giai đoạn tiền khởi tố. Các quy định này sẽ làm vơi bớt đau khổ cho thân nhân người bị oan, giải quyết bồi thường thiệt hại, oan sai trong tố tụng hình sự, góp phần bảo vệ những quyền con người, quyền công dân đã được Hiến định.

ĐBQH thảo luận tại Hội trường Ảnh: Khánh Duy
ĐBQH thảo luận tại Hội trường  Ảnh: Khánh Duy

Người bị tạm giữ, tạm giam chưa mất hết các quyền công dân, quyền con người, mà chỉ bị Hiến pháp và pháp luật hạn chế một số quyền. Song thực tế cho thấy, tại một số địa điểm, người bị tạm giữ, tạm giam đã không được bảo đảm các quyền cơ bản này, thậm chí đã có nhiều người tự sát hoặc bị chết vì nguyên nhân khác. Vì vậy, khi thảo luận lần cuối về Dự thảo Luật này, các ĐBQH yêu cầu cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần phối hợp rà soát, chỉnh lý kịp thời để hoàn chỉnh Dự thảo Luật Tạm giữ, tạm giam trước khi trình QH thông qua toàn văn. Những quy định về tạm giữ, tạm giam phải hoàn chỉnh vì ít nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, trong khi, bảo vệ công lý và bảo vệ quyền con người là nguyên tắc tối thượng của luật pháp Việt Nam.

 ĐBQH TRẦN NGỌC VINH (TP HẢI PHÒNG): Phải tách bạch quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự

Hiện nay, trại tạm giam ở các cơ quan cấp tỉnh do cơ quan thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp quản lý cơ bản đã được tách khỏi cơ quan điều tra cùng cấp. Nhưng cơ quan quản lý thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp vẫn trực thuộc và chịu sự quản lý của công an cấp tỉnh, trực tiếp là lãnh đạo công an cấp tỉnh. Tương tự, đối với hệ thống nhà tạm giữ tại công an cấp huyện cũng chỉ có một sự tách bạch khỏi hệ thống cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp về mặt mô hình, còn thực tế lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp tại nhà tạm giữ công an cấp huyện vẫn thuộc cơ quan công an cấp huyện quản lý. Các cơ sở tạm giữ, tạm giam vẫn do công an cấp huyện, tỉnh quản lý chung về nhân lực, con người và bộ máy, thậm chí việc điều động, bổ nhiệm nhân sự cũng bị phụ thuộc thiếu khách quan. Điều đó đặt ra câu hỏi: mối quan hệ giữa cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam với cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp có đủ khách quan, độc lập hay không? Do vậy, cần phải tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự, cơ quan công an cấp tỉnh, huyện. Cần tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống mô hình dọc, giao Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại tạm giam hiện nay. Quy định như vậy sẽ giúp bảo đảm tính độc lập, tránh việc cơ quan điều tra hình sự cùng cấp lạm dụng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra xác minh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo vệ quyền con người là nguyên tắc tối thượng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO