Bảo vệ nhóm yếu thế trong hợp tác quốc tế về hình sự
Thảo luận tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Tĩnh, Ninh Thuận và Hải Dương) sáng 23/6, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự và Luật Tương trợ tư pháp về dân sự là yêu cầu cấp thiết. Đồng thời, nhấn mạnh có quy định cụ thể bảo vệ nhóm yếu thế như phụ nữ và trẻ em trong quá trình hợp tác quốc tế về hình sự.
Bổ sung tương trợ trong hợp tác tư pháp hình sự
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Tương trợ tư pháp về hình sự để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) nhấn mạnh, việc hoàn thiện luật cần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật trong lĩnh vực tư pháp đang được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này. Đại biểu đề nghị chú trọng bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, có quy định cụ thể bảo vệ nhóm yếu thế như phụ nữ và trẻ em trong quá trình hợp tác quốc tế về hình sự, nhất là trong hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ và giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài; đồng thời, cần có quy định chặt chẽ về bảo mật thông tin cá nhân, tôn trọng quyền riêng tư của các nhóm này trong các thủ tục pháp lý quốc tế.
Đối với Điều 16 dự thảo luật quy định Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan Trung ương về tương trợ tư pháp hình sự, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tránh hiểu nhầm Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan chủ trì toàn diện các hoạt động tương trợ tư pháp. Trong khi pháp luật tố tụng hình sự hiện hành đã xác định thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Liên quan đến quy định tại Điều 8 về các hình thức tương trợ tư pháp hình sự, các đại biểu cơ bản đồng tình với việc bổ sung các hình thức mới. Trong đó, có chuyển giao tạm thời người đang bị tạm giam hoặc đang chấp hành án phạt tù để hỗ trợ điều tra, cung cấp chứng cứ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục khi Việt Nam là bên yêu cầu chuyển giao, bởi hiện dự thảo chỉ quy định khi phía nước ngoài yêu cầu.
Về các quy định tại Điều 20 và Điều 27, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung phụ lục hướng dẫn biểu mẫu thống nhất đối với văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của Việt Nam gửi đi nước ngoài và văn bản yêu cầu của nước ngoài gửi Việt Nam. Việc quy định biểu mẫu thống nhất sẽ giúp hạn chế bị từ chối yêu cầu do sai sót về hình thức, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý yêu cầu.
Về trình tự, thủ tục tiếp nhận hồ sơ yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự (Điều 28), các đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định về trách nhiệm dịch thuật trong trường hợp hai nước chưa ký kết điều ước quốc tế. Quy định rõ bên nào có trách nhiệm dịch hồ sơ và hồ sơ phải được dịch qua tổ chức, cá nhân có chức năng dịch thuật hợp pháp để bảo đảm tính pháp lý.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh tại các địa phương có chung đường biên giới trong thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, nhằm thống nhất với quy định tại khoản 2, Điều 17 của dự thảo luật.
Tăng cường bảo vệ quyền con người
Thảo luận tại tổ, các đại biểu Tổ 3 cũng thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Tương trợ tư pháp về dân sự để hoàn thiện cơ sở pháp lý, thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ giải quyết các vụ việc dân sự và vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài được nhanh chóng, chính xác, hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cơ bản đồng thuận với nội dung dự thảo và đánh giá cao các quy định bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và nhóm yếu thế. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc không phân biệt đối xử trong các hoạt động tương trợ tư pháp về dân sự (Điều 6); đồng thời, nghiên cứu bổ sung cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận công bằng với dịch vụ pháp lý trong các thủ tục tương trợ tư pháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị bổ sung quy định cho phép bổ sung hồ sơ trong quá trình tiếp nhận, tránh trường hợp trả lại toàn bộ hồ sơ chỉ vì thiếu một hoặc vài loại giấy tờ có thể bổ sung ngay, gây kéo dài thời gian xử lý và ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết yêu cầu.
Đối với Điều 9 về triệu tập và bảo vệ người làm chứng, người giám định, các đại biểu nhấn mạnh bổ sung quy định bảo vệ quyền của người làm chứng, người giám định khi tham gia tố tụng tại Việt Nam. Đồng thời, cần có cơ chế xử lý phù hợp trong trường hợp những người này đã thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng tại Việt Nam. Việc miễn trừ trách nhiệm pháp lý như quy định hiện nay chưa hợp lý và có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Về hệ thống thông tin tương trợ tư pháp dân sự (Điều 12), các đại biểu cơ bản đồng tình với việc xây dựng hệ thống trên môi trường điện tử. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định lưu trữ song song trên cả môi trường điện tử và bản giấy để dự phòng rủi ro kỹ thuật và bảo đảm tính linh hoạt.

Thảo luận thêm về các nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) đề nghị tại khoản 2, Điều 4 cần bổ sung cụm từ “lấy lời khai” vào nội dung “thu thập, cung cấp chứng cứ” để bảo đảm đầy đủ. Tương tự, tại khoản 4, đại biểu đề nghị chỉ cung cấp thông tin hộ tịch của đối tượng liên quan, không cung cấp toàn văn bản án để tránh lộ thông tin cá nhân của các bên khác trong vụ án.
Liên quan đến Điều 10 về chi phí thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự, đại biểu đề nghị làm rõ người chịu chi phí trong trường hợp người yêu cầu được miễn phí theo quy định, có thể theo hướng nhà nước chi trả hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế nếu có.
Đối với Điều 23 về thu thập chứng cứ và lấy lời khai trực tuyến, đại biểu cho rằng: cần bổ sung quy định về hợp tác giữa các cơ quan của Việt Nam và nước ngoài nhằm bảo đảm tính hợp pháp của công nghệ sử dụng; quy định rõ điều kiện áp dụng, trình tự, thủ tục, thời gian xử lý yêu cầu, cách thức xác minh thông tin và công nhận giá trị pháp lý của chứng cứ được thu thập qua hình thức trực tuyến, nhất là đối với các quốc gia chưa có quy định tương tự về chứng cứ điện tử.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp dân sự; bổ sung cơ chế giám sát chặt chẽ để tránh bị lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích; đồng thời, cần quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan; có cơ chế bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu nhạy cảm; làm rõ điều kiện công nhận và thi hành bản án, quyết định của tòa án nước ngoài nhằm tạo sự đồng bộ giữa pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.