Liên minh châu Âu

Bảo vệ người lao động trong nền kinh tế Gig

- Thứ Hai, 01/03/2021, 06:36 - Chia sẻ
Nền kinh tế Gig (tiếng Anh: Gig Economy) là nền kinh tế mà trong đó mọi người thường làm việc bán thời gian hoặc tạm thời. Hiện nay, tại Liên minh châu Âu (EU), cứ 10 người lại có một người đang làm việc trong “nền kinh tế Gig”. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ không được hưởng quyền đầy đủ của người lao động. Vì vậy, EU đã có nhiều bước đi nhằm nâng cao quyền của họ và mới đây nhất Ủy ban châu Âu (EC) đã bắt đầu tiến hành tham vấn cộng đồng về các vấn đề pháp lý liên quan.

Tích hợp các giá trị châu Âu

Nói một cách cụ thể hơn, “nền kinh tế Gig” là hệ thống thị trường tự do, trong đó công việc tạm thời là phổ biến và doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với người lao động về một cam kết ngắn hạn giữa đôi bên. Đây là nền kinh tế mà người tham gia chỉ cần có chuyên môn nhất định trong lĩnh vực nào đó. Họ là những người thích tự do, không muốn bị ràng buộc bởi giờ giấc hành chính và các điều kiện làm việc truyền thống. Thay vào đó, những người này sẽ được kết nối tự do qua mạng xã hội hay ứng dụng tìm việc. Nền kinh tế đặc biệt trên bao gồm hàng triệu người đang làm những công việc cho các hãng vận chuyển, dịch vụ gọi xe trực tuyến hay các công việc thời vụ khác… Tuy nhiên, chính thuận lợi đó cũng lại là bất lợi. Vì được xem là độc lập, tự chủ, nên họ không có đủ điều kiện để được hưởng những quyền lợi cơ bản như lao động bình thường, như có mức lương tối thiểu, được trả lương làm thêm giờ, trợ cấp chăm sóc sức khỏe, nghỉ lễ…

	Nguồn shutterstock.com
Nguồn shutterstock.com

Theo AFP, trong giai đoạn đầu, EU sẽ tiến hành 6 tuần tư vấn với các liên đoàn thương mại, tổ chức sử dụng lao động về cải thiện môi trường làm việc cho các cá nhân thuộc “nền kinh tế gig”. Nếu người lao động và đại diện doanh nghiệp không tham gia đàm phán về vấn đề này, EU có thể tổ chức vòng đàm phán thứ hai. Trong trường hợp cả người lao động và doanh nghiệp không đạt được kết quả sau đàm phán thứ hai, EC sẽ “khởi xướng một sáng kiến vào cuối năm”.

Giám đốc kỹ thuật số của EC, bà Margrethe Vestager cho biết, mặc dù các nền tảng chia sẻ công nghệ có thể giúp mọi người tìm việc mới và khám phá những ý tưởng kinh doanh mới, nhưng “chúng tôi phải bảo đảm rằng các giá trị châu Âu của mình được tích hợp tốt trong nền kinh tế kỹ thuật số” nhằm “bảo đảm rằng những hình thức làm việc mới này vẫn bền vững và công bằng”.

Cuộc tham vấn diễn ra khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế châu Âu. Nó chỉ ra 7 lĩnh vực có thể cải thiện: Việc làm của người lao động hợp đồng, điều kiện làm việc, việc tiếp cận bảo trợ xã hội, tiếp cận đại diện tập thể và thương lượng, các khía cạnh xuyên biên giới, việc các công ty sử dụng, quản lý và đào tạo theo thuật toán và cơ hội nghề nghiệp .

Các nghiệp đoàn châu Âu và cơ quan người sử dụng lao động sẽ được yêu cầu đưa ra quan điểm về những câu hỏi sau: Bạn có cho rằng EC đã xác định đúng và đủ các vấn đề và lĩnh vực có thể để EU hành động không? Bạn có cho rằng hành động của EU là cần thiết để giải quyết hiệu quả các vấn đề đã xác định và đạt được mục tiêu đã trình bày? Nếu vậy, hành động có nên bao gồm tất cả những người làm việc trong các nền tảng, cho dù là người lao động chính thức hay lao động tự do? EU có nên tập trung vào các loại nền tảng lao động kỹ thuật số cụ thể không và nếu có thì sẽ tập trung vào những nền tảng nào? Nếu hành động của EU được coi là cần thiết, thì những quyền và nghĩa vụ nào nên được bao gồm trong hành động đó? Các mục tiêu có trình bày tổng quan, toàn diện về những hành động cần thiết không? Bạn có cân nhắc bắt đầu đối thoại theo Hiệp ước về chức năng của EU (TFEU) về bất kỳ vấn đề nào được xác định trong cuộc tham vấn này không? (Điều 155 của TFEU quy định đối thoại giữa người sử dụng lao động và các liên đoàn lao động hoặc đại diện).

Mang lại lợi ích nhưng cần công bằng

Hiện nay, những ứng dụng như Uber, Just Eat và Deliveroo sở hữu lượng người lao động thuộc “nền kinh tế Gig” đông đảo hàng đầu châu Âu. Trong đại dịch Covid-19, các ứng dụng trên có nhu cầu sử dụng đặc biệt cao khi lệnh phong tỏa khiến nhiều khách hàng lựa chọn đặt hàng trực tuyến. EC đánh giá “nền kinh tế Gig” tạo điều kiện làm việc linh hoạt và cơ hội việc làm cho nhiều cá nhân gặp khó khăn với thị trường lao động truyền thống. Nhưng các công ty hoạt động trong lĩnh vực này thường vấp phải cáo buộc lợi dụng mác việc làm tự do để né chi trả bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nhiều tòa án ở châu Âu đã bãi bỏ xếp hạng việc làm tự do đối với các công ty trong lĩnh vực này. Công tố viên Italy gần đây phán quyết phạt Uber Eats, Glovo, Just Eat và Deliveroo 892 triệu USD vì vi phạm luật an toàn lao động. Theo đó, công bố viên tại Milan tuyên bố hơn 60.000 người làm việc cho các ứng dụng này tại Italy sẽ được ký hợp đồng lao động không dài hạn với lương cố định.

Chưa hết, hôm 25.2, Uber đã bị thua kiện ở Anh, thị trường lớn nhất của nền tảng này và họ buộc phải công nhận tài xế của mình là người lao động chính thức. Vụ việc pháp lý về lao động đầu tiên chống lại Uber tại Anh nói trên do 2 tài xế Yaseen Aslam và James Farrar khởi kiện từ năm 2016, thời điểm họ vẫn còn hợp tác với Uber. Trước khi đăng ký làm việc cho Uber, ông Aslam từng làm việc cho một công ty khác nhưng đã chuyển việc vì bị hấp dẫn trước những khoản lương, hoa hồng hậu hĩnh từ Uber. Nhưng những khoản “bổng lộc” đó nhanh chóng bị cắt giảm khi ngày càng có nhiều tài xế gia nhập vào nền tảng. Hai tài xế đã thắng kiện ngay trong tòa xét xử đầu tiên và tiếp tục thắng thế trong 2 phiên tòa Uber kháng cáo sau đó. Sau gần 6 năm kiện cáo, lần này, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh tuyên bố các lái xe trong vụ kiện không phải là người làm việc hợp đồng độc lập vì hoạt động của họ được Uber xác định và kiểm soát rất chặt chẽ về giá cả, đưa ra các điều khoản hợp đồng và buộc tài xế phải tuân thủ trong quá trình phục vụ. Phán quyết của Tòa án Tối cao Vương quốc Anh không đồng nghĩa ngay lập tức tất cả tài xế hợp tác với Uber đều được coi là người lao động chính thức và được hưởng thêm một số quyền lợi bảo vệ. Nhưng nó có thể ảnh hưởng tới cách Uber vận hành tại Anh về lâu dài.

Thực tế, theo Politico, hiện nay, câu hỏi lớn nhất là người làm việc cho các nền tảng trực tuyến có nên được coi là người lao động chính thức hay không. Các công ty như Uber đã vận động hành lang tích cực cho “cách thứ ba” giữa tư cách người lao động và tư cách độc lập, điều đó sẽ cung cấp cho các đối tượng trên một số biện pháp bảo vệ cơ bản nhưng vẫn giữ được tư cách người lao động độc lập. Trong khi đó, công ty chuyển phát nhanh thực phẩm của Phần Lan Wolt lại lập luận, tình trạng người lao động chính thức có thể “giết chết” nền kinh tế gig ở châu Âu. Tuy nhiên, Ủy viên châu Âu về vấn đề việc làm và quyền xã hội Nicolas Schmit mới đây phát biểu với hãng truyền thông DW của Đức rằng, một nền kinh tế của thế kỷ XXI (nền kinh tế Gig) không thể để giống như một nền kinh tế thế kỷ XIX, khi mà quyền lợi của người lao động chưa được bảo đảm đầy đủ.

Thực ra, cách đây 2 năm, vào tháng 4.2019, các nghị sĩ châu Âu từng thống nhất các quy định pháp luật mới nhằm bảo đảm quyền tối thiểu cho tất cả người lao động, kể cả những người dễ bị tổn thương nhất đang làm việc theo hợp đồng lao động không điển hình, như nhân công làm việc trong nền kinh tế gig. Các quy định nêu rõ, bất cứ ai có hợp đồng lao động hoặc có mối quan hệ lao động theo quy định của pháp luật, đều phải được bảo vệ. Điều đó có nghĩa là những người làm các công việc đột xuất hoặc ngắn hạn, làm việc theo yêu cầu, không liên tục, hay thực tập được trả công… đều xứng đáng được quan tâm, miễn là họ đáp ứng các tiêu chí và vượt qua ngưỡng làm việc trung bình 3 giờ/tuần và trung bình 12 giờ/tháng. Các quốc gia thành viên có 3 năm để đưa các quy định trên vào cuộc sống.

Ngọc Minh