Bảo vệ người lao động trong nền kinh tế gig

Ngọc Minh 22/04/2019 07:33

Vừa qua, các nghị sĩ châu Âu đã thống nhất thông qua các quy định pháp luật mới nhằm bảo đảm quyền tối thiểu cho tất cả người lao động. Luật này sẽ tăng cường bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất đang làm việc theo những hợp đồng lao động không điển hình, như nhân công làm việc trong nền kinh tế gig.

Nền kinh tế gig là gì ?

Nền kinh tế gig (gig economy), hay còn gọi là nền kinh tế tự do hoặc nền kinh tế tạm thời, là hệ thống thị trường tự do, trong đó công việc tạm thời là phổ biến, doanh nghiệp sẽ thỏa thuận với những người lao động tự do về một sự cam kết ngắn hạn giữa đôi bên. Đây là nền kinh tế mà người tham gia chỉ cần có chuyên môn nhất định trong lĩnh vực nào đó. Họ là những con người thích tự do, không muốn bị ràng buộc bởi giờ giấc hành chính và các điều kiện làm việc truyền thống. Thay vào đó, những người này sẽ được kết nối tự do qua mạng xã hội hay ứng dụng tìm việc.

Theo khảo sát, số lao động tham gia nền kinh tế gig tại Anh đã tăng tới 72% từ năm 2010. Còn tại Mỹ, chuyên trang CNN Money dẫn số liệu dự báo, con số này sẽ là 44% vào năm 2020, từ mức 34% năm 2017. Mới đây nhất, tờ The Guardian cho biết, khoảng 8% người Mỹ và 14% người Anh đang tận dụng nền kinh tế gig để kiếm sống qua các việc làm như lái xe Uber hoặc Lyft, dọn dẹp văn phòng cho Handy hoặc làm các công việc vặt khác thông qua công ty TaskRabbit… Còn tại châu Âu, khoảng 200 triệu lao động đang làm việc tại liên minh lá cờ xanh, trong đó khoảng 3 triệu người làm việc theo các hình thức lao động mới và không điển hình này.

Về mặt tích cực, nền kinh tế gig giúp người lao động có thể kiếm thêm thu nhập trong thời gian rảnh mà vẫn theo đuổi được công việc chính. Họ được hoàn toàn tự chủ với công việc, làm, nghỉ theo ý thích. Tuy nhiên, chính thuận lợi đó cũng lại là bất lợi. Vì được xem là độc lập, tự chủ nên họ không có đủ điều kiện để được hưởng những quyền lợi cơ bản như lao động bình thường, như có mức lương tối thiểu, được trả lương làm thêm giờ, trợ cấp chăm sóc sức khỏe, nghỉ lễ…

Hành động của EU

Nhận thức rõ những thiệt thòi đó, các nhà lập pháp châu Âu đã đồng lòng thông qua những quyền lợi tối thiểu cho người lao động theo nhu cầu nói trên. Luật mới quy định rõ, bất cứ ai có hợp đồng lao động hoặc có mối quan hệ lao động theo quy định của pháp luật, đều phải được bảo vệ bằng các quy định vừa được thông qua. Án lệ của Tòa án Công lý châu Âu thậm chí chỉ rõ, một người lao động thực hiện dịch vụ trong thời gian nhất định và theo sự chỉ đạo của người khác để nhận thù lao cũng cần được tính đến.

Điều này có nghĩa là những người làm các công việc đột xuất hoặc ngắn hạn, làm việc theo yêu cầu, không liên tục, hay thực tập được trả công… đều xứng đáng được quan tâm, miễn là họ đáp ứng được các tiêu chí và vượt qua ngưỡng làm việc trung bình 3 giờ/tuần và trung bình 12 giờ/tháng.

Các quy định mới bao gồm nhiều biện pháp bảo vệ người lao động bằng cách bảo đảm các điều kiện làm việc minh bạch hơn, như bắt buộc đào tạo miễn phí cũng như đặt ra giới hạn về giờ làm việc và thời gian thử việc. Cụ thể, thời gian thử việc sẽ không quá 6 tháng hoặc tỷ lệ thuận với thời hạn dự kiến của hợp đồng trong trường hợp làm việc có thời hạn. Một hợp đồng lao động được gia hạn cùng chức năng không được biến thành thời gian thử việc mới. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng sẽ phải đào tạo bắt buộc miễn phí và được tính là thời gian làm việc. Nếu có thể, các khóa đào tạo như vậy nên được hoàn thành trong giờ làm việc.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động không được cấm, kỷ luật hoặc cản trở người lao động làm việc với các công ty khác nếu điều này nằm ngoài lịch trình làm việc được thiết lập với chủ lao động đó. Các quy định mới còn yêu cầu tất cả nhân viên mới phải được nhận thông tin chính về trách nhiệm và điều kiện làm việc của họ trong vòng một tuần. Người lao động cũng có quyền được nhận bồi thường trong trường hợp công việc được giao kết thúc quá muộn so với thỏa thuận đã được thống nhất trước đó với chủ lao động…

Có thể nói, những quy định trên đây thực sự là những bước quan trọng trong chính sách xã hội của EU. Theo lịch trình, các quốc gia thành viên sẽ có 3 năm để đưa chúng vào cuộc sống.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo vệ người lao động trong nền kinh tế gig
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO