Bảo vệ người dưới 18 tuổi bị xâm hại

- Thứ Sáu, 02/10/2020, 06:44 - Chia sẻ
Khi mà các vụ án xâm hại trẻ em đang diễn biến ngày càng phức tạp thì việc xác định ưu tiên giải quyết nhanh chóng, chính xác kịp thời các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi mà Bộ Công an đưa ra tại dự thảo Thông tư Quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi có ý nghĩa rất quan trọng. Quy định này nhằm bảo vệ kịp thời nạn nhân dưới 18 tuổi bị xâm hại.

Dự thảo Thông tư quy định: Mọi hoạt động tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi phải được tiến hành trong môi trường thuận tiện cho việc bảo đảm bí mật đời tư và danh dự, nhân phẩm của người dưới 18 tuổi. Để bảo đảm xử lý kịp thời những vụ xâm hại đối với người dưới 18 tuổi, dự thảo cũng quy định, mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về hành vi phạm tội xâm hại người dưới 18 tuổi phải được chuyển ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết. Đặc biệt, phải ưu tiên giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.

Xâm hại trẻ em đã trở thành một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận thời gian qua. Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” cho thấy, số trẻ em bị xâm hại được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2011 - 2014 là 7.211 trẻ em. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ), tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại. Trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được công an các cấp tiếp nhận, xử lý.

Thực tế cho thấy, xâm hại trẻ em để lại hậu quả nặng nề, tác động về thể chất, tinh thần rất lớn đối với trẻ và cả gia đình các em. Thậm chí, đã có trường hợp trẻ em bị tử vong, thương tật, bị hoảng loạn tinh thần hay có em phải làm mẹ từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này của các em.

Trong khi đó, giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em là vấn đề khó, bởi nạn nhân trong các vụ án này còn nhỏ tuổi, lời khai đôi khi không đồng nhất. Trong khi đó, nếu trong quá trình lấy lời khai không khéo léo có thể gây tổn thương, nỗi đau cho các em thêm lần nữa. Cùng với đó, công tác giám định về xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em thời gian còn nhiều hạn chế. Thậm chí, có trường hợp người mẹ đưa con gái 5 tuổi bị xâm hại đi giám định pháp y, khi đến công an phường thì công an phường chỉ đến bệnh viện, đến bệnh viện lại chỉ đến trung tâm pháp y, rồi đến công an quận xong lại quay về công an phường.  

Để tháo gỡ điểm nghẽn về giám định tư pháp, dự thảo Thông tư đã quy định rõ: Trong thời hạn không quá 3 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, đề nghị trưng cầu, cơ quan đang thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án hình sự phải tiến hành xác minh, thu thập các tình tiết liên quan đến yêu cầu, đề nghị giám định và quyết định trưng cầu giám định để làm căn cứ giải quyết vụ việc, vụ án hình sự. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu, đề nghị giám định thì phải giải thích rõ lý do cho người đã yêu cầu, đề nghị biết. Đối với những vụ việc, vụ án có tính chất quả tang hoặc có căn cứ, tài liệu xác định có hành vi xâm hại tình dục, cơ quan đang thụ lý vụ việc, vụ án phải tiến hành trưng cầu giám định trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi có căn cứ…

Việc quy định thời hạn thực hiện trưng cầu giám định như dự thảo Thông tư sẽ góp phần rút ngắn thời gian giải quyết vụ án xâm hại trẻ em. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sớm xác định có hay không đối tượng phạm tội để làm căn cứ đưa vụ án ra xét xử. Qua đó, giải quyết được ách tắc về giám định xâm hại tình dục, tránh tình trạng như đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải - khi còn là Trưởng ban Dân nguyện, đã từng phản ánh có người mẹ trong 5 ngày không dám tắm cho con chỉ vì sợ mất tang chứng.

Lê Hùng