Minh chứng bác bỏ luận điệu xuyên tạc, sai trái

- Thứ Ba, 04/10/2022, 18:08 - Chia sẻ

TS Nguyễn Văn Sơn - Học viện An ninh Nhân dân

Thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam, các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị liên tục đưa ra luận điệu cho rằng “Việt Nam không có dân chủ vì thực hiện chế độ một đảng cầm quyền”, hoặc “dân chủ hình thức”…, từ đó họ kêu gọi Việt Nam phải thực hiện đa đảng, “có đa đảng thì mới có dân chủ đích thực”. Thế nhưng, lý luận và thực tiễn sinh động ở Việt Nam đã và đang bác bỏ luận điệu sai trái này.

Luận điệu sai trái – âm mưu diễn biến hòa bình

Thời gian qua, các đối tượng thù địch, phản động, cơ hội chính trị không ngừng đưa ra các luận điệu cho rằng, “Việt Nam hiện nay không có dân chủ đích thực vì thực hiện chế độ nhất nguyên, một đảng cầm quyền”, “dân chủ ở Việt Nam chỉ là hình thức, khẩu hiệu”. Một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí nước ngoài cố tình đưa ra các luận điệu xuyên tạc cho rằng: “Việt Nam thiếu văn hóa dân chủ, không có dân chủ, hạn chế quyền riêng tư của công dân”, “Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền con người, không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do Internet”. Từ đó, họ kêu gọi một số phần tử với luận điệu “có đa đảng thì mới có dân chủ”, “muốn thực sự có dân chủ phải thực hiện đa đảng”…

Đây rõ ràng là những luận điệu sai trái, phi khoa học và hết sức nguy hiểm vì nó đánh đồng giữa vấn đề đa đảng với dân chủ, phủ nhận mọi thành tựu của cách mạng, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đằng sau những luận điệu trên đều không ngoài mục đích là nhằm phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, gây bất ổn chính trị, xã hội ở Việt Nam, làm suy yếu, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vấn đề một đảng hay nhiều đảng lãnh đạo, cầm quyền không phải là vấn đề mới mà đã được đề cập ở nhiều quốc gia, trong nhiều giai đoạn lịch sử. Một đảng hay nhiều đảng lãnh đạo, cầm quyền có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khách quan và chủ quan. Về khách quan, việc này phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể của mỗi quốc gia. Về chủ quan, việc này phụ thuộc vào tương quan so sánh lực lượng giữa các giai cấp, lực lượng trong xã hội, phụ thuộc vào chế độ chính trị, thể chế chính trị, quan điểm chính trị của giai cấp cầm quyền.

Dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng

Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội, trong đó thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực. Hiểu một cách chung nhất và đơn giản nhất, dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Từ đây, có thể rút ra 3 điều căn bản liên quan hữu cơ với nhau, đó là: Một là, dân chủ là độc lập dân tộc và quyền tự quyết dân tộc; hai là, chế độ chính trị của một giai cấp nhất định; ba là, dân chủ là cơ chế thực hiện quyền làm chủ cho ai, cho giai cấp nào. Hệ thống đa đảng là hệ thống mà ở đó có nhiều đảng chính trị có khả năng giành quyền điều hành chính phủ một cách độc lập hay liên minh với nhau.

Như vậy, vấn đề dân chủ và vấn đề đa đảng có mối quan hệ nhưng không đồng nhất với nhau. Bởi lẽ, trong bất cứ một chế độ xã hội nào, cho dù là một đảng lãnh đạo hay nhiều đảng, khi thiết chế xã hội đó bảo đảm thực sự quyền lực thuộc về nhân dân thì xã hội đó sẽ có dân chủ. Còn nhiều đảng nhưng không bảo đảm được quyền lực thực sự thuộc về nhân dân thì dân chủ thực chất cũng chỉ là sự hô hào giả hiệu mà thôi.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều nước thực hiện chế độ đa đảng, chẳng hạn như Armenia có khoảng 40 đảng, Hà Lan có 25 đảng, Na Uy có 23 đảng… nhưng có ai dám khẳng định Armenia dân chủ hơn Hà Lan, Hà Lan dân chủ hơn Na Uy? Mặt khác, trên thế giới hiện nay có hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ theo chế độ một đảng, trong số đó có nhiều nước phát triển và bảo đảm được dân chủ đích thực. Singapore, Hàn Quốc cuối những năm 1980 duy trì chế độ một đảng cầm quyền duy nhất nhưng đất nước vẫn phát triển mạnh mẽ. Điều đó cho thấy, chế độ chính trị do một đảng lãnh đạo không chỉ tồn tại ở các nước xã hội chủ nghĩa mà có thể tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào trên cơ sở phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị và nguyện vọng rộng rãi của các tầng lớp nhân dân ở quốc gia đó.

Cần nhấn mạnh rằng, dân chủ không phụ thuộc vào cơ chế một đảng hay đa đảng mà nó phụ thuộc vào bản chất của chế độ cầm quyền phục vụ cho giai cấp nào. Bản thân nền dân chủ tư sản, dù có được tô vẽ như thế nào chăng nữa, thì nền dân chủ đó vẫn là nền dân chủ của giai cấp tư sản, nhằm bảo đảm sự thống trị của giai cấp tư sản đối với nhà nước, xã hội.

Chính trị xã hội ổn định, nhân dân được làm chủ trên thực tế

Ở Việt Nam hiện nay, qua gần một thế kỷ lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trọn vẹn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và thành công trong công cuộc xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, được nhân dân tin tưởng. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ của đa số nhân dân, gắn với quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được pháp luật bảo đảm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; là hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định nhân dân là chủ thể của quyền lực. Đồng thời, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc Hiến định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Đến 9 giờ sáng 23-5, tỷ lệ cử tri Khánh Hòa đi bầu đạt 38,87%
Cử tri đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam kiên định duy trì và nhất quán mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; xây dựng nhà nước “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” trên nguyên tắc “tập trung dân chủ”, “tất cả quyền lực nhà nước là thuộc về Nhân dân” và cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thực tế cho thấy, ở nước ta mọi người dân đều có thể trực tiếp hay gián tiếp (thông qua người đại diện của mình) đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cơ quan công quyền, trên nguyên tắc “mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”. Các kênh bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và hoạt động có hiệu quả.

Hơn 90 năm qua sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã và đang gặt hái được rất nhiều thành tựu to lớn. Đặc biệt, hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước ta từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, trở thành một quốc gia đang phát triển hết sức năng động. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được mở rộng; quốc phòng, an ninh được giữ vững; văn hóa, xã hội phát triển; cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên quốc tế.

Văn kiện Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi trả lời phỏng vấn báo Express của Ấn Độ nhân chuyến thăm nước này năm 2010, khi đó, trên cương vị người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng: Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, hai đảng thì ít dân chủ hơn và một đảng thì ít dân chủ hơn nữa, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất.

Khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Thực tiễn các bạn thấy đất nước chúng tôi là chính trị xã hội ổn định, nhân dân được làm chủ trên thực tế, Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, các đoàn thể cũng có tiếng nói và đang làm nhiệm vụ phản biện, giám sát xã hội. Đất nước đang phát triển đi lên”. Từ thực tế đó “Chúng tôi thấy thực hiện một Đảng vẫn là có hiệu quả nhất” và “Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan phải có chế độ đa đảng, ít nhất cho đến bây giờ”.

Như vậy, luận điệu cho rằng “có đa đảng thì mới có dân chủ” là một luận điệu sai trái, hết sức nguy hiểm, đánh đồng vấn đề đa đảng với vấn đề dân chủ, dễ gây nên sự ngộ nhận, hoài nghi, hoang mang trong nhận thức của một số người, dẫn tới sự dao động về tư tưởng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thậm chí, cổ súy, kích động cho các tư tưởng, hành động chống phá nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam. Do đó, chúng ta cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác để nhận diện, đấu tranh, vô hiệu hóa luận điệu sai trái và nguy hiểm này.

#