Gắn quy hoạch với đào tạo bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

- Thứ Hai, 28/11/2022, 17:36 - Chia sẻ

Từ năm 2016 đến nay, Bắc Giang có 10.520 lượt cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo chuyên môn, lý luận chính trị; 131.590 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, ngoại ngữ, tin học...; 567 lượt cán bộ lãnh đạo của tỉnh tham gia các lớp bồi dưỡng theo chức danh, 44 lượt cán bộ được chọn cử tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo Đề án 165...

Công tác cán bộ đóng vai trò quan trọng 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kémThực hiện huấn thị đó của Người, những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang luôn xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực quản lý, điều hành để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang khóa XVIII, XIX đặt ra nhiệm vụ “…tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, gắn với quy hoạch cán bộ; chú trọng đào tạo theo tiêu chuẩn và chức danh cán bộ, gắn lý thuyết với thực hành, kỹ năng xử lý tình huống thực tế…” và “…Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, ngoại ngữ, kiến thức pháp luật cho cán bộ…”. 

Để tạo bước đột phá về chất lượng cán bộ, những năm qua, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều đề án, nghị quyết, kế hoạch về công tác cán bộ, như: Đề án bố trí cán bộ trẻ, có triển vọng thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện; Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Bắc Giang đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Nghị quyết về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tỉnh Bắc Giang đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Đề án quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ, các chức danh cán bộ chủ chốt tỉnh; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh; tạo nguồn bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn… 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 53-KH/TU ngày 1.8.2018 đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, trong đó: chú trọng các giải pháp về quy hoạch cán bộ, gắn với đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhằm góp phần tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành đồng bộ các quy định, quy chế về công tác cán bộ để triển khai thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh như: Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Quy chế đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Quy định về luân chuyển cán bộ....

Nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Bắc Giang thời gian qua là, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó nhất quán quan điểm chỉ đạo: Cấp ủy đảng thống nhất lãnh đạo, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh theo thẩm quyền phân cấp; đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch và yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, coi trọng khuyến khích cán bộ tự học tập nâng cao kiến thức, trình độ; việc kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực chất hơn, cơ sở đào tạo đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm và ban cán sự các lớp đào tạo, bồi dưỡng dài hạn và thảo luận, đánh giá tình hình, đề ra biện pháp cụ thể nhằm tăng cường kỷ cương, nền nếp trong giảng dạy và học tập. Lãnh đạo Trường lắng nghe và giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của học viên; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và trong quy hoạch; quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, kiến thức quản lý kinh tế, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ. 

Cùng với đó, Bắc Giang chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện về lý luận chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, khả năng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và kỹ năng xử lý tình huống trong chỉ đạo, điều hành; gắn lý luận với thực tiễn, gắn lý thuyết với thực tế sinh động của cuộc sống, nhất là những vấn đề thực tiễn đặt ra liên quan đến sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn trau dồi kiến thức với rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tác phong, phong cách của người cán bộ. Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp lãnh đạo gắn với thực tiễn của địa phương, đơn vị; thực hiệu hiệu quả việc cử cán bộ, công chức cấp xã lên học tập, bồi dưỡng thực tế tại các phòng, ban, cơ quan cấp huyện; cử cán bộ cấp huyện xuống cơ sở hướng dẫn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”; mở lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý…

Gắn quy hoạch với đào tạo bồi dưỡng nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ -0
Tỉnh Bắc Giang tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ trong năm 2022

Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ (2020-2025) đến nay để chuẩn bị nguồn nhân sự cấp uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 92 cán bộ quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho nhiệm kỳ và những năm tiếp theo; tổ chức 2 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức với 205 học viên là lãnh đạo quản lý cấp tỉnh và cán bộ chủ chốt cấp huyện...

Với cách làm sáng tạo đó, đội ngũ cán bộ được chuẩn hóa và ngày càng nâng lên về chất lượng. Sau đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, 100% cấp ủy viên trong Đảng bộ tỉnh đạt chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn.

Chuẩn hóa tiêu chuẩn khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo

Trong công tác quy hoạch cán bộ, cơ cấu 3 độ tuổi trong quy hoạch cấp ủy và lãnh đạo, quản lý các cấp được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; trong đó quan tâm phát hiện những nhân tố trẻ có triển vọng phát triển từ thực tiễn để đưa vào quy hoạch; việc rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm chủ yếu là cán bộ trẻ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Kết quả rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ (giai đoạn) 2020-2025, 2021-2026 và xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ (giai đoạn) 2025-2030, 2026-2031 của tỉnh cơ bản bảo đảm cơ cấu, nhất là cơ cấu cán bộ nữ trong quy hoạch cấp ủy và các chức danh cán bộ chủ chốt tỉnh góp phần tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Cụ thể như: Quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030, số cán bộ nữ là 14 trong tổng số 67 đồng chí (bằng 20,9%), cơ bản bảo đảm yêu cầu đề ra; ngoài ra, quy hoạch các chức danh lãnh đạo sở, ngành tỉnh, cán bộ chủ chốt cấp huyện nhiệm kỳ, giai đoạn 2025-2030, 2026-2031 đối với 697 lượt, trong đó nữ 134 lượt (bằng 19,2%).

Thực hiện hiệu quả việc đào tạo, bồi dưỡng thực tiễn đối với cán bộ qua công tác luân chuyển để cán bộ có môi trường, điều kiện khẳng định, trưởng thành. Việc luân chuyển phải lựa chọn cán bộ bảo đảm đúng, trúng, thật sự có năng lực, triển vọng để đào tạo, bồi dưỡng; mỗi nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều ban hành kế hoạch luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Việc luân chuyển được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, không làm ồ ạt chạy theo số lượng, bảo đảm tính ổn định, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, tạo được sự đồng thuận nơi cán bộ đi và nơi cán bộ đến. Qua luân chuyển, cán bộ được bồi dưỡng, rèn luyện qua thực tiễn, từ đó có bước trưởng thành, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm; phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hơn, sát thực tế hơn, nhiều đồng chí được đảm nhiệm chức vụ cao hơn; góp phần khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ. Hiện nay 100% các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và hầu hết các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đều đã giữ các chức danh cán bộ chủ chốt của huyện, thành phố.

Để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, thời gian tới, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ tiếp tục xác định đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và nhiệm vụ cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, bố trí, sử dụng. Thực hiện chuẩn hóa tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ và vị trí việc làm.Việc tham mưu bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, công tâm, công bằng trên quan điểm “vì việc để bố trí người, không vì người để bố trí việc”.

Bên cạnh đó, để tạo bước chuyển mới về chất, các cơ sở đào tạo phải đổi mới toàn diện, đồng bộ về nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng theo hướng chọn lọc, thiết thực, phù hợp với từng loại chức danh cán bộ. Tăng cường công tác phối hợp, liên kết để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng; đa dạng hóa các loại hình đào tạo để cán bộ lựa chọn được hình thức đào tạo phù hợp. Tổ chức thành nền nếp việc bồi dưỡng bổ sung kiến thức thực tiễn, kỹ năng nghiệp vụ công tác đảng, nghiệp vụ chuyên môn, xử lý tình huống cho đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng, gắn việc xây dựng quy hoạch cán bộ với kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Kịp thời đánh giá công tác sử dụng, bố trí cán bộ cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng để có biện pháp phát huy ưu điểm, điều chỉnh bổ sung và khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Thực hiện nghiêm việc phân cấp đối tượng đào tạo, bồi dưỡng gắn với thẩm định tiêu chuẩn cán bộ cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Việc chọn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng phải đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, tiêu chí chọn cử rõ ràng và được công khai minh bạch. Ưu tiên cử đi đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ quy hoạch các chức danh diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, cán bộ trẻ có trình độ năng lực và chiều hướng phát triển. Cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng phải xác định rõ mục tiêu, động cơ học tập, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác học tập.

Trần Hồng Vân - Trưởng phòng Tổng hợp Chính sách cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang