Thời gian gần đây, nhất là sau khi Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thực hiện quy trình miễn nhiệm đối với một số lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước theo quy định, mạng xã hội xuất hiện một số thông tin, luận điệu, bình luận thiếu chính xác, xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng. Những luận điệu vô căn cứ, mang tính quy chụp để bôi nhọ và chống phá, tạo nhận thức sai lệch, hoài nghi, dao động trong Nhân dân ấy cần được nhận thức đầy đủ hơn. Các luận điệu cho rằng “tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam”, là căn bệnh kinh niên của “chế độ độc đảng cầm quyền”, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam là một “quốc nạn không có thuốc chữa”; quy chụp bản chất chung của cán bộ, đảng viên là tham nhũng, tha hóa, biến chất…
Nhận thức rõ ràng, đấu tranh kiên quyết
Trước hết, phải khẳng định, tham nhũng là vấn nạn toàn cầu, tồn tại ở mọi quốc gia, là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng: tham nhũng là một hiện tượng phổ biến, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó “phần lớn tham nhũng xảy ra ở các quốc gia có chế độ đa đảng, “tam quyền phân lập”. Tệ nạn tham nhũng đang hoành hành ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở phương Tây. Như vụ bê bối tham nhũng ở EU liên quan đến cựu Phó Chủ tịch Nghị viện, bà Kaili, ở Đức có vụ xét xử vị kiểm sát viên cấp cao ở Frankfurt vì tội tham những và rửa tiền... Ở một số nước châu Á, tình trạng tham nhũng còn xảy ra ở cả những nguyên thủ quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia.... Do đó, không thể cố tình xuyên tạc, bóp méo rằng tham nhũng chỉ xảy ra ở những nước có chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo như Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển, chịu tác động nhiều chiều của kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập; trình độ quản lý kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế; hệ thống luật pháp chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; bộ máy hành chínhh nhà nước còn cồng kềnh, hiệu quả thấp; “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… Do đó, vấn nạn tham nhũng là không tránh khỏi.
Nói như thế, không có nghĩa là chúng ta coi tham nhũng như là hiển nhiên, chúng ta lên án những hành động tham lam, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và ủng hộ tuyệt đối cuộc đấu tranh mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang tiến hành. Trong công cuộc này, Việt Nam đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận. Đảng và Nhà nước đang nỗ lực từng bước làm trong sạch bộ máy nhà nước, minh bạch trong quản lý kinh tế để đẩy lùi tác động tiêu cực.
Có thể nói, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng lại được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt như thời gian gần đây. Nhiều vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Những con số tại Hội nghị tổng kết về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nhiệm kỳ Đại hội XII và việc xử lý các vụ việc tham nhũng trong thời gian gần đây minh chứng rõ, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước ta.
Lúc quyết tâm chính trị, tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang lên cao cũng là lúc các thế lực thù địch, phản động, những phần tử cơ hội lại ra sức lợi dụng vấn đề này để tiến hành các hoạt động chống phá. Vì vậy, hơn lúc nào hết, trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải nhận thức rõ ràng, đấu tranh kiên quyết với những âm mưu, thủ đoạn đó.
Quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Quyết liệt và chú trọng công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng ủy Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam trong năm 2024 đã ban hành Chương trình số 42 – CTr/ĐU ngày 14.3.2024 về Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ban chấp hành đảng bộ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam năm 2024 với mục đích tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng với công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực trong toàn Đảng bộ và hệ thống Vietcombank; tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ, đảng viên và người lao động Vietcombank trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực; thực hiện công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực phải gắn với công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Đảng ủy Vietcombank tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, chương trình, quy định, hướng dẫn của Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiêu cực, của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương. Trọng tâm là Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25.10.2021 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến’’, ‘’tự chuyển hóa”; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11.7.2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27.10.2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán…
Đảng ủy Vietcombank đặt nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến toàn bộ cán bộ, đảng viên, người lao động trong hệ thống dưới nhiều hình thức khác nhau để toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động nhận thức được đầy đủ, đúng đắn về tầm quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, tránh xa những hiểu lầm xuyên tạc sai lệch về chủ trương; thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham những tiêu cực đi đôi với việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện xử lý hành vi tham nhũng tiêu cực và có các biện pháp xử lý phù hợp theo đúng chủ trương.