Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Ở những nơi đồng bào dân tộc thiểu số phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu cán bộ thì đồng bào sẽ luôn hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cho ta". Lời dặn của Người vẫn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương trong cả nước nói chung và các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng ghi nhớ và vận dụng sáng tạo để làm nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc… Trong thành công ấy, có vai trò không nhỏ của đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) - "hạt nhân" tích cực làm "cầu nối" quan trọng trong việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, công tác phát triển đảng viên người DTTS ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đã và đang gặp nhiều khó khăn… Hóa giải rào cản này, đòi hỏi có những giải pháp vừa đồng bộ, vừa linh hoạt, đặc thù của địa phương.
____________
Ngày 16.6.2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 21 về "Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên trong giai đoạn mới". Nghị quyết đã xác định rõ hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó quán triệt phương châm "ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên" nhằm tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị trước mắt và lâu dài.
____________
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh HOÀNG TRUNG DŨNG:Tăng số lượng nhưng phải bảo đảm chất lượngThời gian qua, công tác phát triển đảng viên nói chung và phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Đội ngũ cán bộ, đảng viên là người DTTS đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong hệ thống chính trị ở cơ sở, luôn gương mẫu đi đầu trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ thôn, bản… Tuy nhiên công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là người DTTS còn gặp nhiều khó khăn; một bộ phận quần chúng, trong đó có thanh niên ở các thôn, bản còn hạn chế về nhận thức, chưa tích cực tham gia các hoạt động hội, đoàn thể...
Tư tưởng quán xuyến trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí minh về phát triển Đảng là "coi trọng chất lượng". Người luôn nhắc nhở: "Đảng không phải chỉ cần số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên". Đây cũng chính là điều mà tỉnh Hà Tĩnh luôn quan tâm để bảo đảm sự phát triển hài hòa số lượng đi đôi với chất lượng… Để làm tốt công tác phát triển đảng viên trong đồng bào DTTS thì cùng với chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở, phải tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS; nâng cao nhận thức cho cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát triển đảng viên là người DTTS ở cơ sở trong thời kỳ mới.
Đồng thời, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ dân trí cho quần chúng đồng bào DTTS, nhằm giúp quần chúng thấy rõ việc phấn đấu trở thành đảng viên là vinh dự, là trách nhiệm, đồng thời là cơ hội để hoàn thiện bản thân, cống hiến tốt hơn cho thôn, bản. Hỗ trợ, tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, từ đó phát hiện những nhân tố tích cực để bồi dưỡng, giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét, kết nạp; đảng viên phải "đi trước, làm trước" để quần chúng nhân dân tin, làm theo.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách đối với đảng viên, nhất là việc xét, trao tặng huy hiệu đảng đối với đảng viên có nhiều năm tuổi đảng; hỗ trợ đảng viên không hưởng lương mua sổ chi chép sinh hoạt chi bộ, bút viết, tài liệu; tổ chức các lớp nói chuyện chuyên đề nhận thức về đảng cho trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng chi đoàn, chi hội chưa là đảng viên... Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác phát triển đảng viên vùng dân tộc; ban hành quy định chấm điểm chất lượng sinh hoạt chi bộ; đổi mới phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực của cấp uỷ, bí thư cấp uỷ vùng đồng bào dân tộc;…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị NGUYỄN ĐĂNG QUANG:Mạnh dạn phân công, giao việc cho quần chúng ưu tú giữ trọng trách tại các thôn, bảnNhững năm qua, Tỉnh ủy Quảng Trị luôn coi công tác phát triển đảng viên, đặc biệt phát triển đảng viên người DTTS là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, nhằm tăng cường nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự lãnh đạo và sự kế thừa, phát triển của Đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, công tác này còn gặp không ít khó khăn, nhất là việc tạo nguồn quần chúng ưu tú để giới thiệu cho Đảng; một số cấp ủy chi bộ, bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên nên thiếu tính chủ động trong công tác giáo dục, vận động, rèn luyện quần chúng...
Để nâng cao chất lượng công tác phát triển viên trong vùng đồng bào DTTS, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kết nạp đảng viên trong giai đoạn hiện nay, theo tinh thần "ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên"; coi công tác kết nạp đảng là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên... Cùng với đó, phát động phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, lao động sản xuất, giảm nghèo, để từ đó thu hút quần chúng Nhân dân tích cực tham gia, lấy kết quả thực hiện phong trào làm cơ sở đánh giá, phát hiện quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng.
Phối hợp với chính quyền địa phương rà soát các đối tượng quần chúng là bộ đội đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; học sinh đã tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp, cán bộ thanh niên, phụ nữ, nông dân, y tế thôn bản... để giới thiệu kết nạp. Mạnh dạn phân công, giao việc cho quần chúng ưu tú là thanh niên, những người trẻ giữ trọng trách tại các xã, thôn, bản… Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy vai trò hạt nhân "nòng cốt" già làng, trưởng bản, người có uy tín, đảng viên trẻ vùng đồng bào DTTS gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động.
Có một thực tế, lâu nay, việc luân chuyển cán bộ, giáo viên, cán bộ biên phòng về sinh hoạt chi bộ bản là cần thiết. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính số học. Theo tôi, yếu tố căn cơ, quyết định là cần phải đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào DTTS - đây mới thực sự là lực lượng nòng cốt tại cơ sở… Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến vùng đồng bào DTTS, như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất..., thông qua đó, kịp thời phát hiện, lựa chọn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng kết nạp đảng.
____________
Khi đề cập đến vấn đề phát triển đảng viên vùng đồng bào DTTS và miền núi ở nhiều địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh nhiệm vụ: “Phấn đấu để các thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng”.
____________
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa LẠI THẾ NGUYÊN:Thực hiện tốt các chính sách đối với vùng đồng bào DTTSNhững năm qua, Tỉnh ủy Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển đảng viên khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS. Tuy nhiên, việc phát triển đảng viên khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn do nguồn bị hạn chế. Phần lớn thanh niên sau khi học hết THPT sẽ đi nghĩa vụ quân sự, hoặc về các thành phố lớn, khu công nghiệp tìm việc làm mưu sinh; một bộ phận nhỏ lại chú trọng phát triển kinh tế, không nhiệt tình phấn đấu đứng trong hàng ngũ của đảng. Cùng với đó là những định kiến, phong tục tập quán lạc hậu; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình còn nhiều bất cập…
Để thực hiện tốt hơn công tác phát triển đảng viên vùng DTTS, giải pháp tiên quyết là thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho bà con. Thực tế, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thói quen, phong tục lạc hậu vốn "sâu rễ bền gốc" trong các bản làng vùng đồng bào DTTS không đơn giản, bởi nếu chỉ "nói miệng", mà phải "trăm nghe không bằng một thấy" và thấy ai cũng không bằng thấy những tấm gương là chính người ở bản làng của họ… Do đó, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục quan tâm đến các chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, như: Đào tạo nghề, phát triển các nghề dịch vụ, tạo việc làm cho lao động; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, văn hoá; đầu tư và định hướng khai thác những lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên; nâng cao trình độ văn hóa cho đồng bào; có chế độ đãi ngộ, ưu tiên cho cán bộ, đảng viên vùng đồng bào DTTS để người dân tin tưởng và phấn đấu vào Đảng;…
Ở góc độ địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa trong nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên vùng DTTS và miền núi. Cụ thể, sẽ giao trách nhiệm cho Đảng bộ các xã, chi bộ thôn, bản tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng để thanh niên nhận thức đúng đắn và có mục tiêu phấn đấu đứng trong hàng ngũ của đảng; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để thu hút đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn, qua đó phấn đấu, rèn luyện và giới thiệu cho tổ chức đảng xem xét kết nạp; đồng thời, quan tâm phát triển đảng viên là học sinh các trường DTNT có ý chí phấn đấu, vượt khó vươn lên... Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ tập trung khai thác các chương trình tín dụng ưu đãi hiện có; thực hiện tốt các chương trình, chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi, để lao động trẻ có thể làm việc, cống hiến cho quê hương, không phải đi làm ăn xa mà bỏ quên các công tác xã hội…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình TRẦN HẢI CHÂU:Tạo việc làm, giữ chân lao động trẻNhững năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình đã đặc biệt chú trọng đến công tác phát triển đảng viên là người DTTS. Tuy nhiên, số lượng đảng viên người đồng bào DTTS được kết nạp chưa đạt so với chỉ tiêu đề ra; một số nơi đang tiềm ẩn nguy cơ "tái trắng" tổ chức đảng… Trước những khó khăn đó, tỉnh Quảng Bình đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là công tác tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng trẻ tuổi để kết nạp. Trong đó, đặc biệt quan tâm các đối tượng, như: Học sinh tốt nghiệp các trường THPT, DTNT, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học, bộ đội xuất ngũ và thanh niên lao động tại địa phương…
Để thực hiện tốt hơn công tác phát triển đảng viên khu vực miền núi, vùng DTTS, theo tôi, cần quan tâm tạo điều kiện để thanh niên người DTTS được học tập, nâng cao trình độ văn hóa, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng nhằm tạo nhận thức và động cơ đúng đắn trong việc phấn đấu trở thành đảng viên. Tích cực triển khai các phong trào thi đua với các nội dung thiết thực, để thông qua đó phát hiện ra những quần chúng ưu tú, gương mẫu giới thiệu cho đảng… Cùng với đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo việc làm, giữ chân lao động trẻ ở địa phương; đồng thời chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần để người dân phấn khởi, tin tưởng, mong muốn được cống hiến, từ đó tạo nguồn phát triển đảng một cách bền vững.
Bên cạnh đó, ưu tiên tạo nguồn ở những thôn, bản có ít đảng viên. Tăng cường xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng các tổ chức đoàn thể, nhất là tổ chức đoàn ở vùng có đồng bào DTTS. Đưa các chỉ tiêu về kết quả tập hợp đoàn viên, hội viên, bồi dưỡng và giới thiệu đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng vào tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng các tổ chức chính trị - xã hội hằng năm… Đồng thời, nêu cao sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, tạo sức thu hút, tập hợp quần chúng ưu tú phấn đấu vào đảng.
Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng tại các vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ, đồng thời là giải pháp then chốt quyết định các vấn đề khác… Thời gian tới, tỉnh Quảng Bình cũng sẽ tiếp tục thực hiện Đề án "Tăng cường cán bộ Bộ đội biên phòng tỉnh về làm phó bí thư đảng ủy xã, sinh hoạt Đảng tại một số chi bộ bản các xã biên giới phía Tây của tỉnh"; quan tâm công tác phát triển đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS tại chỗ nhằm khuyến khích, động viên quần chúng là đồng bào DTTS có động lực phấn đấu vào đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững chắc, bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh ở vùng biên.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế PHAN NGỌC THỌ:Xây dựng niềm tin, giác ngộ lý tưởng truyền thống vẻ vang của ĐảngThực hiện lời căn dặn của Bác Hồ "Đảng phải phát triển tổ chức của mình một cách thận trọng, vững chắc và rộng rãi trong quần chúng... đặc biệt đẩy mạnh việc phát triển Đảng vào các vùng xung yếu, các cơ sở còn ít đảng viên", nhiều năm qua công tác phát triển đảng viên nói chung, phát triển đảng viên người DTTS nói riêng được các cấp ủy đảng tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, từng dân tộc… Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trong khu vực, công tác phát triển đảng viên đồng bào DTTS trên địa bàn vẫn còn gặp không ít những khó khăn, đó là: Tỷ lệ đảng viên còn thấp; động cơ phấn đấu vào đảng của một số quần chúng chưa cao…
Chúng ta biết, trong công tác xây dựng đảng, sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng và của đảng viên là một trong những yếu tố hàng đầu để thực hiện tốt nhiệm vụ. Đối với đồng bào DTTS, việc phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trẻ rất quan trọng để bổ sung lực lượng cho đảng. Bởi, đây chính là những hạt nhân quan trọng đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; đồng thời, phát huy tính tiên phong, gương mẫu trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở cơ sở… Thực tiễn đó, tôi cho rằng: Muốn công tác phát triển đảng viên ở vùng đồng bào DTTS đạt kết quả tốt thì yếu tố then chốt, quyết định là cần tập trung bồi dưỡng, phát triển nguồn.
Cụ thể, cấp ủy đảng cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng niềm tin, giác ngộ lý tưởng về truyền thống vẻ vang của Đảng để ngày càng có nhiều quần chúng ưu tú DTTS mong muốn được đứng vào hàng ngũ của đảng; đồng thời, đổi mới công tác giảng dạy các lớp bồi dưỡng kết nạp đảng ở các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện… Các chi bộ, tổ chức đoàn thể cần sâu sát cơ sở, lồng ghép các phong trào với những hoạt động thiết thực; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, đảng viên theo dõi kèm cặp, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc để giúp đỡ, qua đó phát hiện nhân tố tích cực đưa vào quy hoạch, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng.
Một vấn đề quan trọng là cần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt chi bộ, nâng cao vai trò lãnh đạo bảo đảm tính giáo dục, tính chiến đấu của chi bộ; xây dựng chi bộ thực sự trong sạch vững mạnh đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn thôn, bản… Đồng thời, nâng cao chất lượng đảng viên, rà soát sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng.
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An LÊ ĐÌNH LÝ:Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hộiNhững năm qua, công tác phát triển đảng viên là người DTTS trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhìn chung khá thuận lợi nhờ sự quan tâm đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận quần chúng ở các thôn, bản còn hạn chế về văn hóa, nhận thức và hiểu biết; một số thanh niên còn ngại phấn đấu, chưa tích cực tham gia các phong trào tại địa phương; lực lượng lao động trẻ đi làm ăn xa ngày càng nhiều…
Ðể khắc phục những hạn chế trên, các cấp ủy, tổ chức đảng và mọi đảng viên phải ý thức rõ trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục, phát hiện, tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên, nhất là ở những thôn, xóm, bản, vùng đồng bào dân tộc còn ít đảng viên; chỉ đạo các cấp ủy cơ sở rà soát, thống kê số lượng đảng viên các thôn, bản, trường học để làm cơ sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển đảng viên. Lấy kết quả công tác phát triển công tác phát triển đảng viên ở các tổ chức đảng có nguồn bồi dưỡng, phát triển đảng viên làm tiêu chí đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng… Đồng thời, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các DTTS trong công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên mới; nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa việc bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng, tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị cho đảng viên mới và hết sức linh hoạt trong tổ chức sinh hoạt chi bộ nhằm tạo sự thuận lợi tối đa cho quần chúng, đảng viên.
Theo tôi, yếu tố cốt lõi để tăng sức hút phát triển đảng chính là uy tín, năng lực của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở địa phương, từ đó mới xây dựng niềm tin trong nhân dân và tác động tích cực đến các quần chúng ưu tú để họ nỗ lực phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng. Do đó, cần tạo môi trường thuận lợi để quần chúng giác ngộ lý tưởng, có động cơ trong sáng, rèn luyện phấn đấu vào Đảng… Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên, hỗ trợ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ…; chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế, giải quyết việc làm cho thanh niên DTTS tại địa phương.
Thời gian tới, tỉnh Nghệ An cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 10.8.2016 về "Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020" và Kết luận số 95-KL/TU, ngày 5.7.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh;…
Khép lại chuỗi ngày dài "tác nghiệp" khắp bản làng đồng bào DTTS các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, trên chuyến xe trở ra thủ đô Hà Nội, trong chúng tôi quá nhiều cảm xúc. Vui vì đã đạt được mục tiêu đặt ra là đi đến tận cùng những bản làng xa xôi nhất của cả nước mà không phải người làm báo nào cũng có cơ duyên đặt chân đến - nơi mà cấp ủy, chính quyền đang ươm mầm những "hạt giống đỏ" để làm điểm tựa cho đồng bào DTTS dưới chân dãy Trường Sơn tiếp tục vượt lên khó khăn, xây dựng các bản làng ấm no, hạnh phúc.
Sau chuyến đi này, chúng tôi càng thấm thía hơn về nỗi vất vả, nhọc nhằn của những người đảng viên - cây cầu nối giữa "ý Đảng - lòng dân"… ở vùng "thâm sơn cùng cốc" này. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư để Đảng thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân…" sẽ còn vang vọng mãi...!
Nội dung: Chí Tuấn - Anh Thế - Diệp Anh - Đào Cảnh
Ảnh: Hải Phong - Mỹ Hạnh
Trình bày: Duy Thông - Xuân Tùng