Khát vọng Tự do, Hạnh phúc cho Nhân dân: Tầm nhìn - Quyết sách - Hành động:

Bài 1: "Chúng ta cần một xã hội phát triển vì con người..."

- Thứ Tư, 20/07/2022, 06:03 - Chia sẻ

TS. NHỊ LÊ - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

LTS: Tháng 2.2022, Hội đồng Lý luận Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức bản thảo và xuất bản cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong rất nhiều vấn đề quan trọng, cuốn sách khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội phát triển vì con người, không bóc lột người, không xâm phạm nhân phẩm vì lợi nhuận”; “Mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài viết với chủ đề: “Khát vọng Tự do, Hạnh phúc cho Nhân dân: Tầm nhìn - Quyết sách - Hành động” của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, xung quanh vấn đề này.

Lịch sử nhân loại tự cổ chí kim, muôn thời xác tín, đằng sau sức mạnh của mỗi triều đại, bao giờ cũng là sức mạnh của Nhân dân. Sự thành bại, số phận thăng trầm, thậm chí sự còn mất của mọi quốc gia, dân tộc đều tùy thuộc vào Nhân dân, nói cụ thể đều tùy thuộc vào lẽ có hợp lòng dân hay không. Và, ở mọi triều đại - Nhà nước, Nhân dân là một nhân tố căn bản và vững mạnh tạo nên sức sống trường tồn của một quốc gia, dân tộc.

Việt Nam ta tự xưa tới nay, dù cho thành bại, không nằm ngoài quy luật muôn đời ấy!

Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân...

Nhưng, lịch sử xưa nay Việt Nam lại cho thấy, nhất là ở vào những khúc lịch sử quanh co thử thách còn mất, vốn luôn và lại bật lên cái tính riêng có, không thể trộn lẫn, làm nên bản lĩnh Việt Nam.

Bài học hưng vong, kinh nghiệm còn mất của lịch sử nước nhà qua bao nhiêu triều đại đã chứng thực những điều riêng có, làm nên tính quy luật sinh tồn và phát triển trường kỳ của dân tộc Việt Nam, bởi khí phách dân tộc Việt Nam như “dao chém đá”. Tưởng như mất nước đấy nhưng còn Dân thì còn nước. Cả ngót nghìn năm Văn Lang dưới ách Bắc thuộc đồng hóa, nhưng Dân Văn Lang còn thì nước ắt phải còn. Trên thế giới, chưa thấy một nước nào bị đồng hóa cả nghìn năm như thế, mà còn cả. Và, chỉ bằng một trận Bạch Đằng giang của Ngô Quyền mà rửa sạch làu làu nỗi hận nghìn năm ấy. Rồi thế kỷ XV, chỉ 7 năm nhà Hồ để mất Dân, thì giặc phương Bắc chưa đánh mà nước Đại Việt đã mất! Và, trăm năm trong vòng vong quốc nô thuộc địa phương Tây, kéo từ thế kỷ XIX vắt sang giữa thế kỷ XX, chỉ có 20 triệu đồng bào nước Việt, dưới ngọn cờ của Đảng, mà Dân lấy lại được nước, vào tháng Tám năm 1945. Trên thế giới, lại chưa thấy có đất nước nào và Nhân dân nào như thế!

Vì thế, “trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân” - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết như rút từ tâm can như vậy. Đó là một tư tưởng bất hủ của Người về Nhân dân và niềm tin vào sức mạnh của Nhân dân. Nhớ lại 77 năm trước, khi Nhà nước non trẻ của Nhân dân vừa tròn 45 ngày, trên số 69 báo Cứu quốc, ra ngày 17.10.1945, trong “Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là người đứng đầu Nhà nước khẳng định: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng nếu nước được độc lập mà Dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì(1).

Chính vì thế, hai thành tố Tự do - Hạnh phúc trong ba thành tố quan trọng của tiêu ngữ thiêng liêng đặt dưới quốc hiệu Việt Nam mệnh hệ tới Nhân dân là: “Độc lập  - Tự do - Hạnh phúc”.

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc chính là những quyền làm người cao cả nhất theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước quốc tế về quyền con người, song những quyền đó chỉ được thực thi trong một quốc gia độc lập. Vì những giá trị cao quý đó, suốt chiều dài lịch sử, nhân loại tiến bộ, trong đó có Nhân dân Việt Nam đã không quản ngại hy sinh, gian khổ đấu tranh để giành lại nền độc lập thật sự của đất nước.

Tiêu ngữ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc ghi dưới Quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là hiện thân khát vọng của toàn dân tộc; là sự hiện thực hóa tâm nguyện và ý chí "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu”(2), ngay từ những năm 1920 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Và, những nỗ lực của Nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc trải dài mấy thập niên, dưới ngọn cờ của Đảng, cũng chính là để bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ nhất quyền con người; trong đó, có quyền được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và quyền tự quyết của dân tộc giữ gìn vận mệnh và phát triển con đường tương lai của Tổ quốc.

Đó cũng là khát vọng của mấy nghìn năm của Việt Nam, kể từ khi mở nước! 

Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc

Không thể có một nền độc lập chân chính nếu quốc gia dân tộc không có quyền tự quyết, dân tộc không thể có chủ quyền thực sự nếu không thống nhất toàn vẹn, Nhân dân không thể có tự do nếu dân tộc bị lệ thuộc vào dân tộc khác hoặc đất nước bị hay tự cùm trói mình bởi quốc gia khác, dù dưới hình thức này hay mức độ kia. Đó là khát vọng cháy bỏng và tiếng gọi thiêng liêng của thời đại đối với tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới hiện nay. Nền độc lập hoàn toàn, thật sự ấy, phải là quyền tự nhiên, thiêng liêng, vô cùng quý giá và bất khả xâm phạm của các quốc gia dân tộc.   

Việt Nam không nằm ngoài quy luật phát triển ấy!

Từ trường kỳ lịch sử của Việt Nam, đó càng là điều căn bản và thiêng liêng nhất. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Cái mà tôi cần nhất trên đời này là: đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập. Người kêu gọi toàn Dân tộc: Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Vì thế, Người khẳng định: Toàn dân Việt Nam chỉ có một lòng, quyết không làm nô lệ; chỉ có một chí, quyết không chịu mất nước; chỉ có một mục đích: kháng chiến để tranh thủ thống nhất và độc lập cho Tổ quốc. 

Để xây dựng, phát triển và bảo vệ nền độc lập dân tộc ấy, Dân tộc độc lập trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao. Đó là chính là chủ quyền quốc gia tự quyết. Nước Việt Nam là của người Việt Nam, do Dân tộc Việt Nam quyết định, Nhân dân Việt Nam không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Đó là hiện thân và sự phát triển vẻ vang của tinh thần độc lập tự do, thống nhất quốc gia, danh dự của dân tộc trải mấy nghìn năm của Tổ tiên ta, không gì và không lực lượng nào có thể làm vấy bẩn, đe dọa và khuất phục nổi!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Chúng ta đã hy sinh, đã giành được độc lập, Dân chỉ thấy giá trị của độc lập khi ăn đủ no, mặc đủ ấm. Đây chính là thước đo sự trưởng thành của nền độc lập dân tộc thấm đẫm tinh thần phát triển, tiến bộ và tính nhân văn cao cả, tính triệt để cách mạng. Người khẳng định: Chỉ giải phóng hoàn toàn dân tộc, khi toàn thể cộng đồng người sống trên toàn cõi nước Việt Nam được giải phóng và sự bảo đảm của một dân tộc được giải phóng, khi Tổ quốc được thống nhất.

Đó không chỉ là nhu cầu của sự tồn tại dân tộc, nhu cầu tình cảm dân tộc mà còn trở thành động lực cách mạng, làm nên sức mạnh tổng hợp bảo đảm cho công cuộc bảo vệ nền độc lập, chủ quyền đất nước, sự thống nhất toàn vẹn của Tổ quốc và “đó là con đường sống của Nhân dân Việt Nam”, với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đó không chỉ là lý tưởng mà còn là lẽ sống của Dân tộc ta, đồng thời, còn là mục tiêu và nguồn cổ vũ chung đối với các dân tộc bị áp bức và nô dịch trên toàn thế giới. Đó chính là sự phát triển tới đỉnh cao sự thống nhất sức mạnh dân tộc Việt Nam hòa trong dòng chảy sức mạnh và sự phát triển của thời đại ngày nay.

Hơn bao giờ hết, hiện nay, tư tưởng độc lập, tự do, thống nhất đất nước càng tỏa sáng tất cả vì con người, vì dân tộc; lấy con người, lấy dân tộc làm động lực, mục tiêu của mọi sự phát triển trở thành quy luật phát triển một cách nhân văn của bất cứ quốc gia dân tộc tiến bộ nào trên thế giới. Việt Nam không nằm ngoài quy luật phát triển ấy!

Từ lịch sử dân tộc mấy nghìn năm, nhất là gần 100 năm nay, càng cho chúng ta một bài học lớn về giá trị của độc lập không có nghĩa là tự cô lập mình, tự mình khép kín; và bằng mọi giá kiên quyết bảo vệ nền độc lập đó, quyết không bị chi phối hay bị lệ thuộc từ bất cứ phía nào trên con đường phát triển đất nước nhân văn và thịnh vượng… Đó là nghệ thuật phát triển sự độc lập sáng tạo, thống nhất trong đa dạng, tự chủ và tự quyết của chúng ta trên con đường vươn tới hùng cường, trong dòng chảy của thời đại ngày nay. 

Bài học của Việt Nam và thế giới hiện nay cho thấy, khi một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập. "Mỗi một người dân phải hiểu: Có tự lập mới độc lập, có tự cường mới tự do", như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Chúng ta phải tự mình trở nên hùng mạnh. Đó là phương lược bảo vệ và phát triển nền độc lập, tự do của Tổ quốc từ sớm, từ xa, thật chủ động và vững chãi; đồng thời, chủ động và tích cực cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực ngăn ngừa mọi xung đột khu vực và toàn cầu, chủ động góp phần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tiếp tục mấy nghìn năm qua, gần 100 năm nay, Dân tộc Việt Nam chúng ta đã và đang đi như thế một cách tự tin và thành công cùng nhân loại!

Trong thời đại Hồ Chí Minh, Ðộc lập - Tự do - Hạnh phúc đã không chỉ là khát vọng mà còn là hệ giá trị vô giá và trở thành lẽ sống, lý tưởng phấn đấu, hy sinh mà Đảng ta và Nhân dân kiên định thực hiện, dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất trong hành trình XHCN.

Độc lập dân tộc là điều kiện nền tảng để thực hiện mục tiêu để mỗi người dân đạt tới hạnh phúc, tự do. Nói cách khác, việc giành lại nền độc lập của dân tộc không phải là mục đích cuối cùng mà là điều kiện để trên cơ sở đó thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm mang lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Độc lập dân tộc vì và cho Nhân dân ta được hoàn toàn tự do, được hưởng hạnh phúc - một phẩm giá Dân tộc cao cả và thiêng liêng nhất - mà không nhiều lãnh tụ của các quốc gia khác nhấn mạnh thành một tuyên ngôn chính trị hàm súc và nhân văn như thế! Nghĩa là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(3).

Và, tới lượt mình, mỗi người dân Việt Nam luôn cảm nhận toàn vẹn hơn và sâu sắc hơn giá trị của độc lập, tự do, của quyền được sống trong Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, để thực hiện trách nhiệm bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, vì một nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Vì thế, lời tuyên bố và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì, nếu Nhân dân không hưởng tự do, hạnh phúc, thì dường như chưa một chính trị gia nào trên thế giới từ xưa tới nay đạt tới tầm vóc như vậy nhưng thiết thực đối với Nhân dân tới tận cùng như thế! Đối với Việt Nam, chỉ con đường xã hội chủ nghĩa là duy nhất đúng đắn.

Kế thừa, phát triển độc lập và sáng tạo tư tưởng đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn chặt sự lựa chọn và phát triển con đường xã hội chủ nghĩa của dân tộc Việt Nam 92 năm qua với hoạt động của Hồ Chí Minh - mà ngay từ những năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai phá - và một lần nữa khẳng định, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc, đem lại cho mọi người, mọi dân tộc một cuộc sống tự do, được tôn trọng và hạnh phúc: “Chúng ta cần một xã hội phát triển vì con người, không bóc lột người, không xâm phạm nhân phẩm vì lợi nhuận”(4).

Đó là tương lai phát triển tất yếu của Việt Nam trong thời đại ngày nay! 

___________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr. 64.

(2) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.1, tr. 94 

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 187.

(4) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đ về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.22.