Bảo vệ môi trường là bảo tồn di sản
Di sản văn hóa và thiên nhiên thường xuyên đứng trước nguy cơ bị hủy hoại do các tác động của thiên nhiên và con người. Vì vậy, bảo vệ môi trường, cảnh quan cũng chính là bảo tồn di sản, góp phần nâng cao giá trị di tích.
![]() | |
Vớt rác làm sạch Vịnh Hạ Long | Nguồn:baoquangninh.com |
Một trong những đặc tính quan trọng của di tích là gắn liền với thiên nhiên, hay nói cách khác, vẻ đẹp di sản luôn đi cùng vẻ đẹp thiên nhiên. Cũng vì lẽ đó, di tích và môi trường, cảnh quan từ lâu đã là hai yếu tố không thể tách rời. Ngay từ khi con người có ý thức sáng tạo văn hóa, công cuộc bảo tồn di tích, trong đó có bảo vệ môi trường, cảnh quan cũng bắt đầu. Ngược dòng thời gian, theo hương ước ở nhiều làng xã, người xưa đã coi việc bảo vệ di tích cùng với môi trường, cảnh quan là trách nhiệm của cộng đồng. Đọc Khoán từ Lai Xá, Hương Trà, Thừa Thiên Huế, điều khoản đầu tiền là cấm chặt trộm cây gỗ trong những nơi thờ thần thiêng liêng hay cấm chặt trộm tre và cắt trộm măng. Người vi phạm bị phạt đóng 33 quan tiền, nếu không kham nổi số tiền ấy phải chịu khổ sai, cắt cỏ, quét đường trọn đời, nếu bắt được kẻ trộm khác thay thế thì mới được phóng thích. Bằng những quy ước như vậy, các bậc tiền nhân không chỉ đã thành công trong việc thực hiện biện pháp bảo vệ đương thời mà còn giáo dục hậu thế, nếu nơi linh thiêng bị tàn phá, có thể làm phương hại đến sự an nguy của cộng đồng.
Song cùng với thời gian, các di tích ở nước ta đang phải đối mặt với nguy cơ xuống cấp và hư hỏng, mà một trong nhiều tác nhân là do sự thay đổi về môi trường, cảnh quan dưới tác động của con người. Sự phát triển tất yếu của đời sống xã hội cả ở đô thị và nông thôn đều có xu hướng thu hẹp dần phạm vi di tích. Chỉ riêng việc giảm tỷ trọng cảnh quan tự nhiên trong khu di tích đã làm suy giảm và phá vỡ sự cân bằng, bền vững của môi trường nơi đây. Hoạt động sản xuất, canh tác hay khai thác tài nguyên trong các khu di tích gắn liền với thiên nhiên như khai thác than ở khu di tích Yên Tử, đánh bắt thủy sản, vận chuyển khoáng sản trên biển ở vịnh Hạ Long hay khai thác tài nguyên rừng ở Phong Nha - Kẻ Bàng... đã trực tiếp gây ra nguy cơ ô nhiễm và hủy hoại môi trường các khu vực đó. Ngoài ra, hoạt động du lịch gắn với di tích, danh thắng ngày càng mở rộng, một mặt phát huy giá trị văn hóa - lịch sử, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mặt khác là nguyên nhân tác động xấu đến môi trường, cảnh quan di tích, danh thắng. Lượng khách du lịch tăng đồng nghĩa với lượng rác thải, chất thải tại các khu di tích cũng tăng. Phát triển du lịch tất yếu cũng sẽ kéo theo sự gia tăng các cơ sở dịch vụ như hạ tầng, giao thông, bến bãi, công trình phục vụ nghỉ ngơi, lưu trú... dẫn đến nguy cơ thu hẹp, mất dần các yếu tố tự nhiên, đe dọa trực tiếp đến môi trường đất, nước và không khí. Nếu không kiểm soát tốt thì hành vi thiếu ý thức của khách du lịch như dẫm nát cây cỏ, bẻ cành, phá cây, đốt lửa, mua bán động vật hoang dã… còn trực tiếp gây hại cho các hệ động thực vật.
![]() Nhặt rác ở vịnh Hạ Long |
Tại tọa đàm Xây dựng tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích quốc gia Việt Nam do Bộ VH, TT và DL tổ chức mới đây, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia Pgs, Ts Trương Quốc Bình khuyến nghị, cần hướng tới lồng ghép bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên cơ sở bảo toàn nguyên vẹn các giá trị vốn có của di sản; trong đó chú trọng các yếu tố tự nhiên và sự gần gũi, gắn bó hữu cơ của di tích với tự nhiên. Trước mắt, tăng cường phối hợp giữa các ngành liên quan đến văn hóa và môi trường; bảo tồn các di sản vật thể và phi vật thể là phải bảo đảm các lợi ích quốc gia về tài nguyên và môi trường hướng tới phát triển bền vững, cũng như hài hòa các lợi ích kinh tế, xã hội và sinh thái.
Chúng ta thường cúi đầu trước bàn thờ tiên tổ, nhưng sản vật cha ông để lại (di sản) chúng ta lại hưởng thụ mà thường không giữ gìn.
Đã đến lúc phải có cảnh báo: - Chống lại di sản là hệ lụy!