Hà Tĩnh

Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

- Thứ Bảy, 21/03/2020, 08:14 - Chia sẻ
Xác định bảo vệ môi trường là yêu cầu quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm và coi trọng công tác này. Qua đó, đã góp phần hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, giữ cân bằng sinh thái, bảo đảm chất lượng môi trường sống và sức khỏe của người dân... Tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn, bất cập đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ và hợp lý để tháo gỡ.

Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Tĩnh luôn thống nhất quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”. Theo Giám đốc Sở TN - MT Hồ Huy Thành, quá trình thẩm định chủ trương đầu tư các dự án, ngành chức năng luôn coi trọng đến phương án bảo vệ môi trường (BVMT). Các dự án lớn, đặc biệt là Dự án Formosa được giám sát chặt chẽ, các cơ sở có quy mô xả thải lớn đã hoàn thành việc kết nối hệ thống quan trắc tự động, liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở để kiểm soát, giám sát. Qua đó, góp phần hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm - ông Thành nhìn nhận.

Tuy nhiên, công tác quản lý về BVMT ở một số địa phương, lĩnh vực còn yếu; số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh được xác nhận hoàn thành công trình BVMT còn ít; việc quy hoạch xử lý chất thải rắn khu vực đô thị và nông thôn chưa được soát xét đồng bộ; chưa hình thành các khu xử lý rác thải với công nghệ hiện đại; việc triển khai thực hiện quy hoạch và các phương án xử lý rác thải bằng lò đốt tại một số địa phương còn chậm và khó khăn (Thạch Hà, Vũ Quang, Hương Khê...). Bên cạnh đó, hầu hết các KCN, CCN, làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung (Chỉ có 3/22 CCN đầu tư xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung); nhiều đơn vị chưa thực hiện chế độ quan trắc môi trường định kỳ… Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nhất là các trang trại nuôi lợn tập trung đang diễn ra nhiều nơi. Ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản diễn ra khá phổ biến, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản có lưu lượng xả thải lớn, sau tái sử dụng nước ao nuôi qua ao lắng rồi xả thẳng ra sông, biển.

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, bên cạnh do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương trên lĩnh vực môi trường ban hành chưa đồng bộ, thiếu kịp thời gây khó khăn cho công tác quản lý. Đội ngũ cán bộ về BVMT còn mỏng về số lượng và yếu về chất lượng. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về BVMT chưa sâu rộng, nhiều nội dung chậm đi vào cuộc sống... Phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT của các cấp, các ngành và các địa phương còn thiếu chủ động; việc xử lý vi phạm chưa nghiêm; phúc tra hậu kiểm chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, ngân sách đầu tư cho công tác BVMT còn hạn chế, nhiều nội dung chưa được bố trí kinh phí đầu tư như việc xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung cho các đô thị, nhất là TP Hà Tĩnh, các KCN, CCN nhất là KCN Vũng Áng 1 và Gia Lách...


Ý thức về bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh ngày càng được nâng lên
Ảnh: H. Nguyễn

Cần ưu tiên bố trí kinh phí

Để nâng cao hiệu quả công tác BVMT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho biết: Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn Luật BVMT 2014, Nghị định, Thông tư hướng dẫn và các văn bản liên quan cho đội ngũ làm công tác QLNN về môi trường các cấp, doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Vũng Áng 1 và tập trung nguồn vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung cho 2 KCN (Gia Lách và Đại Kim) đã đi vào hoạt động… Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn, đặc biệt là dự án tái chế, tái sử dụng chất thải công nghiệp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án tại các vùng trọng điểm phát triển kinh tế trong tỉnh. Nhất là Khu kinh tế Vũng Áng, Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, KCN Hạ Vàng - Can Lộc, KCN Gia Lách - Nghi Xuân, các khu du lịch, đô thị thương mại.

Mặt khác, tỉnh sẽ xây dựng và triển khai Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025 và những năm tiếp theo để hình thành các khu xử lý tập trung với công nghệ hiện đại, bảo đảm yếu tố môi trường, tiến tới loại bỏ dần các khu xử lý rác thải với công nghệ lạc hậu như hiện nay... “Đồng thời, sẽ rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chăn nuôi và vùng chăn nuôi tập trung với quy hoạch nguồn nước và các quy hoạch liên quan để tích hợp đồng bộ theo quy định; tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác BVMT đối với một số dự án chăn nuôi có quy mô lớn, đặc biệt chú trọng kiểm tra giám sát việc xử lý nước thải, chất thải rắn tại các dự án này…”, ông Sơn nhấn mạnh.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng kiến nghị Bộ TN - MT thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh do Bộ thẩm định phê duyệt nói chung và Dự án Formosa nói riêng; tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm triển khai các hợp phần của dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh miền Trung theo Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư số 1307/QĐ-TTg ngày 3.9.2017… Bên cạnh đó, kiến nghị HĐND tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác BVMT, nhất là: Công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải tại các địa phương; đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các KCN, CCN, làng nghề; cân đối, bố trí nguồn ngân sách đối ứng của địa phương để triển khai các dự án xử lý tiêu hủy hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và điều tra, xây dựng đề án, quy chuẩn môi trường địa phương; xử lý các bãi rác thải sinh hoạt hiện hữu (dự kiến khoảng 70 tỷ đồng).

DIỆP ANH