Bảo vệ giới trẻ trước hiểm họa ma túy

- Chủ Nhật, 06/06/2021, 08:33 - Chia sẻ
Hiện nay, tình trạng sử dụng trái phép các chất ma túy đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, tập trung chủ yếu ở các đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Hầu hết tình trạng nghiện đều bắt đầu từ những cuộc rủ rê, cộng với bản tính tò mò thử cho biết của tuổi mới lớn. Vì thế, trước cuộc chiến chống ma túy, gia đình và nhà trường cùng phải có trách nhiệm giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu về tác hại của ma túy.

Độ tuổi ngày càng trẻ hóa

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm giao. Theo đó, kế hoạch gồm nhiều chương trình hành động cụ thể sẽ giúp học sinh, sinh viên, giáo viên nhận diện đúng, nhận thức đầy đủ và tự có sức đề kháng, không bị cám dỗ về ma túy.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trong cả nước, đối tượng dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%. Trong tổng số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên độ tuổi từ 15 - 25 tuổi. Đặc biệt, với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại của ma túy tổng hợp, nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 13 - 14 tuổi đã sử dụng ma túy. Đó chính là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của ma túy đối với thế hệ trẻ học sinh, sinh viên. Thực tế, thời gian gần đây, ở các địa phương trong cả nước, lực lượng công an liên tục phát hiện và bắt quả tang trẻ em sử dụng ma túy.

Điển hình, ngày 25.4.2021 tại Hải Dương, Công an tỉnh này đã bắt quả tang 4 học sinh đang dùng ma túy trong một quán nước. Trong số 4 em, có 2 em sinh năm 2006, nghĩa là các em mới đang ở cuối cấp của THCS.

Trước đó không lâu, Công an TP. Ninh Bình cũng phát hiện, bắt giữ hai học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo đang bán trái phép hai túi ma túy (dạng cần sa) trước cổng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (TP. Ninh Bình). Thi hành lệnh khám xét nơi ở của một trong hai học sinh trên, Công an TP. Ninh Bình tiếp tục thu giữ 6 gói cần sa; tổng trọng lượng ma túy thu được là 30,61g. Đáng lưu tâm, qua quá trình đấu tranh, hai đối tượng khai nhận số ma túy trên là do mua trên Facebook về chia ra bán lại chủ yếu cho học sinh cùng trường để kiếm lời. Vụ việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên.

Tích cực tuyên truyền về tác hại của ma túy trong môi trường học đường

Nguồn: ITN 

Nâng cao nhận thức: “Lá chắn thép”

Những năm gần đây, đối tượng nghiện ma túy đang ngày càng trẻ hóa. Nhiều vụ án thương tâm, gây chấn động dư luận lại chính là các em học sinh đang độ tuổi đến trường. Điều này cho thấy cần thiết phải có kỹ năng về công tác phòng, chống ma túy trong học đường và gia đình. Xuất phát từ yêu cầu này, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 1477/KGVX-VPCP ngày 9.3.2021 về các chương trình trọng tâm năm 2021 trong công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Trong đó, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh.

Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy Nguyễn Hoàng Thái cho biết, bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” sẽ cung cấp những bài học, kiến thức cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ, học sinh để từ đó nhận biết những mặt trái của ma túy.

Từ thực tế công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về ma túy, đại  diện  Bộ Công an cho rằng, các cơ sở giáo dục cần thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng cập nhật tình hình tội phạm ma túy mới để kịp thời có phương pháp giáo dục học sinh phù hợp. Quan trọng nhất vẫn là công tác giáo dục tư tưởng, nhận thức cho học sinh. Đây chính là lá chắn thép giúp tăng cường sức đề kháng cho học sinh để các em nhận biết vấn đề, có kỹ năng kiến thức xử lý, bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các tài liệu, học liệu về tuyên truyền, giáo dục tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm trong trường học. Tăng cường xây dựng và thực hiện hiệu quả các chương trình, hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống và cai nghiện ma túy, đặc biệt là tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ phụ trách công tác phòng, chống ma túy trong trường học. 

Thực tế cho thấy, việc truyền thông ngay tại môi trường giáo dục về những hiểm họa của ma túy gây ra đã được ngành giáo dục triển khai từ lâu. Song, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc triển khai chưa hiệu quả. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, lý do là ở một số nhà trường việc quản lý, tổ chức phòng chống ma túy trong trường học chưa được đầu tư chiều sâu; bộ máy kiêm nhiệm chưa đủ mạnh để duy trì cập nhật, xử lý các nguồn thông tin trong học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên liên quan đến ma túy; chưa phát huy tốt vai trò chủ động của học sinh, sinh viên tham gia phòng chống ma túy trong trường học và cộng đồng...

Thái Yến