Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 06:41 - Chia sẻ
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn, một trong những điều Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh là tiếp tục tập trung xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đáng chú ý, Thủ tướng nhấn mạnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động và phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ngay sau khi được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Thủ tướng Chính phủ, trong bài phát biểu nhậm chức của mình, trong 5 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã đề cập đến vấn đề cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Theo đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh, “có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. 

Thực tế, đã có những nhân tố đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước đã để lại ấn tượng rất tích cực. Đó là hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc. Ông có câu nói nổi tiếng: Xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng. Phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình. Ở thời điểm ấy, đây là một tư tưởng rất mới, thậm chí bị phê phán. Quan điểm đổi mới của ông sau đó được ghi nhận khi Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 100 về mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã (khoán 100); đến năm 1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (khoán 10).

Hay như tư tưởng về xóa bỏ cơ chế tập trung bao cấp, thí điểm đổi mới quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là một ví dụ. Khi ấy, tư tưởng này bị không ít người phê phán, cho rằng đang chạy theo cơ chế thị trường. Sau này, quan điểm “đột phá” đó được ông vận dụng sáng tạo vào việc chuẩn bị văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, mở đầu cho công cuộc đổi mới đất nước kể từ năm 1986. Đến nay, quan điểm đổi mới ấy vẫn tiếp tục được kế thừa và phát huy.

Điều đó cho thấy, không phải sự đột phá nào cũng được đón nhận, hưởng ứng ngay, không phải sự đổi mới nào cũng được trải “hoa hồng”. Chỉ những người đủ năng lực, trình độ, đủ dũng cảm và tâm huyết mới dám đổi mới, sẵn sàng đối diện, chấp nhận những phản ứng trái chiều từ cộng đồng, từ xã hội.

Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có rất nhiều người năng động, mạnh mẽ quyết liệt trong công việc, dám nghĩ, dám làm với mong muốn đóng góp cho Đảng, Nhà nước, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, cũng không ít người cảm thấy ngại ngần, không dám “vượt rào”. Bởi dũng cảm để đổi mới, đột phá không khéo có thể mang đến cho họ nhiều hệ lụy khi cơ chế bảo vệ những tư tưởng, quyết định đổi mới vẫn bỏ ngỏ.  

Đại biểu Quốc hội Khóa XIV Đào Thanh Hải (TP Hà Nội) đã rất thẳng thắn chỉ ra tình trạng, nhiều cán bộ, đảng viên gần đây xác định làm “tròn” vai. Ông cũng cho rằng, khi cán bộ đổi mới, sáng tạo, làm được thì khen, không làm được thì bị quy trách nhiệm rất nặng nề. Trong khi kết quả không thành công đó có thể do khách quan đem lại. Cho rằng, trong đổi mới, sáng tạo và đột phá, giữa đúng và sai “vô cùng mong manh”, ông Hải cho rằng, nếu không bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm thì chắc chắn không ai sáng tạo, không ai dám đổi mới, đột phá.

Khi chưa có hành lang pháp lý hoàn thiện để bảo vệ người dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì cần có cơ chế riêng để bảo vệ những người có tư tưởng đổi mới vì cái chung. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gợi mở, cái gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện. Cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội.

Mong rằng, những thành công từ tư tưởng đổi mới, đột phá khi còn đảm nhận vai trò người đứng đầu của địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ lan tỏa được tinh thần ấy tới các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương. Và trong quá trình đó, sẽ có những đề xuất về cơ chế chính sách, hoàn thiện các quy định pháp luật để bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì cái chung. Đây là giải pháp quan trọng để phát huy nội lực, sức sáng tạo của cán bộ. Có như vậy mới xóa bỏ được tâm lý “làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều, không làm không sai”.

Hà An