Bảo tồn văn hóa diều

- Thứ Hai, 04/11/2013, 08:35 - Chia sẻ
Theo GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA DIỀU VIỆT NAM HOÀNG VĂN ĐIỆP, việc thành lập Trung tâm không chỉ nhằm bảo tồn những hình ảnh, tư liệu về lịch sử phát triển, hội nhập của diều Việt Nam mà còn góp phần tạo dựng, đẩy mạnh phong trào chơi diều trên toàn quốc. Trung tâm cũng sẽ là cầu nối để các nghệ nhân diều truyền thống tham gia các cuộc thi, quảng bá di sản văn hóa diều Việt Nam đến bè bạn quốc tế.

Xuất phát từ đâu Ông quyết định đứng ra khôi phục và tổ chức thành công 5 kỳ hội thi diều sáo của tỉnh Nam Định?

- Tuổi thơ tôi gắn với đồng quê. Thuở nhỏ thấy các cụ trong làng mỗi khi nông nhàn thả diều sáo là lại kéo nhau đi xem. Từ yêu thích trở thành đam mê lúc nào không hay. Hình ảnh cánh diều cong vút như in, như khắc trên nền trời xanh, cùng với tiếng sáo vi vút, du dương mỗi chiều hè là những kỷ niệm tuổi thơ không thể nào quên. Khi tôi vào bộ đội, niềm đam mê ấy tạm thời bị gián đoạn, khoảng gần chục năm, cho đến khi tôi được phục viên. Trở về làng, tôi chuyển sang làm kinh doanh dịch vụ ẩm thực. Tháng 6.2008, sau khi nhà hàng (Cánh Diều Vàng) đi vào hoạt động, tôi thấy có điều kiện trở lại với thú chơi thuở thiếu thời. Tôi đã chừa một khoảnh đất khá rộng trong khuôn viên nhà hàng để làm nơi đâm diều, tổ chức hội thi. Từ chỗ chỉ có khoảng hơn 10 câu lạc bộ tham gia (năm 2009), hội thi diều của tỉnh Nam Định tổ chức mới đây số lượng câu lạc bộ dự thi đã tăng gấp nhiều lần. Tôi mong muốn hội thi diều sáo của Nam Định được tổ chức thường niên và trước hết sẽ trở thành truyền thống, một nét đẹp văn hóa của riêng Nam Định, sau đó sẽ nhân rộng ra nhiều làng quê, nhiều tỉnh, thành và trên cả nước. Tôi cũng có ý muốn xây dựng một bảo tàng về diều, qua từng giai đoạn lịch sử, với các loại diều sáo của các vùng quê, cũng như các loại diều mà tôi sưu tầm được của thế giới.

Chính Ông cũng đã đề xuất ý tưởng thành lập một tổ chức để gắn kết những người chơi diều sáo truyền thống, đồng thời bảo tồn và phát triển nét văn hóa đặc sắc này?

- Đúng thế. Chúng tôi đã đề xuất với Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội đồng ý và ra quyết định thành lập Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa diều Việt Nam, trụ sở tại 91 Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hiện Trung tâm đã vận động được khá nhiều các nghệ nhân diều sáo tên tuổi, ở khắp các làng quê thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ tham gia, như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định… Sau khi thành lập, chúng tôi sẽ tập hợp các tài liệu, hiện vật liên quan đến di sản diều truyền thống như lịch sử phát triển của các loại diều, các loại chất liệu làm diều từ truyền thống đến hiện đại, các loại diều và sáo diều ở địa phương…, nhằm tạo dựng một nhà trưng bày. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức các chuyến điền dã về những vùng quê có truyền thống chơi diều, có câu lạc bộ chơi diều để hỗ trợ họ về thông tin, về kỹ thuật, quy tắc chơi diều an toàn, góp phần đẩy mạnh phong trào chơi diều, tiến tới tổ chức các hội thi với quy mô lớn.

Trong khuôn khổ tuần lễ Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam, diễn ra từ ngày 18 - 24.11 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, sẽ có hoạt động giới thiệu và trình diễn diều. Trung tâm đã chuẩn bị cho việc ra mắt này thế nào?

- Sau khi khảo sát thực tế và trao đổi với Ban tổ chức, chúng tôi đã thống nhất kế hoạch tổ chức trưng bày trong nhà và trình diễn ngoài trời trong suốt thời gian diễn ra sự kiện. Ở không gian trong nhà, chúng tôi sẽ trưng bày, giới thiệu các hiện vật, tư liệu liên quan đến lịch sử chế tác và chơi diều sáo của Việt Nam. Đồng thời, trưng bày thêm diều của các vùng miền và các nước trong khu vực, nhằm làm nổi bật di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Bên cạnh đó sẽ có hoạt động hướng dẫn làm diều, cách chơi diều an toàn cho trẻ em và khách tham quan. Ngoài trời, các nghệ nhân sẽ biểu diễn chủ yếu là diều sáo. Diều tham gia biểu diễn đa dạng về màu sắc, kích thước và chủng loại, đặc trung cho từng vùng miền. Dự kiến sẽ có khoảng 25 nghệ nhân đến từ 12 câu lạc bộ, thuộc 10 tỉnh, thành phố tham gia. Đặc biệt, ngày 20.11, chúng tôi sẽ tổ chức biểu diễn diều tổng hợp, từ 9h - 17h và từ 19h - 20h, với chủ đề Chung một bầu trời, huy động tất cả nghệ nhân tham gia thả diều liên tục với tất cả các loại diều trên cùng một bãi thả, nhằm tạo nên một bầu trời rực rỡ màu sắc với nhiều hình dạng diều khác nhau, kết hợp với âm thanh sáo diều các loại. Buổi tối sẽ là màn trình diễn của các loại diều gắn đèn nháy chớp và chiếu sáng... Hy vọng mỗi người xem sẽ thêm hiểu và yêu thích hơn trò chơi mang đậm nét văn hóa truyền thống này.

Xin cám ơn Ông!

Nhữ Sơn thực hiện