Bảo tồn và phát triển đặc sản của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Khoái Châu - Hưng Yên là huyện thuần nông được tái lập từ ngày 01.9.1999 gồm 24 xã và 1 thị trấn, với tổng diện tích đất tự nhiên là 13.091,55ha, có hệ thống đường giao thông thuận lợi và đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên đang được triển khai thi công là điều kiện tốt cho phát triển KT-XH và đặc biệt góp phần quảng bá các nông sản của Khoái Châu tới đông đảo thực khách trong và ngoài nước.
|
Phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, bước vào thực hiện kế hoạch nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2013 và những năm tới, cán bộ và nhân dân trong huyện Khoái Châu quyết tâm phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, Nghị quyết trung ương 7 (khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 25.10.2011 của BCH Đảng bộ tỉnh về chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao tỉnh Hưng yên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020.
Do tính đa dạng về điều kiện khí hậu đất đai nên huyện Khoái Châu có một tập đoàn cây ăn quả phong phú về chủng loại như cam, quýt, bưởi, nhãn chín muộn, chuối… Nhãn, chuối tiêu hồng là một trong những chủng loại hoa quả là đặc sản của Hưng Yên nói chung và Khoái Châu nói riêng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.
Nhãn được trồng chủ yếu trên địa bàn huyện là nhãn chín muộn chiếm 90%, 10% là các giống nhãn khác như nhãn nước, nhãn thóc, nhãn trơ…, trong đó giống nhãn chín muộn PHM99-1-1 chiếm khoảng 80% diện tích. Nhãn chín muộn PHM99-1-1 được trồng chủ yếu ở một số xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ... Thông thường với nhãn chất lượng ngon (chiếm khoảng 50 - 60% tổng sản lượng) được bán tại vườn thông qua các hoạt động đặt hàng dùng làm quà, phục vụ khách sạn, nhà hàng, đô thị; đối với giống ăn tươi chất lượng khá (chiếm khoảng 40 - 50% tổng sản lượng) do thương lái mua, được tiêu thụ trên thị trường tự do trong và ngoài tỉnh. Về giá trị tính bình quân mỗi năm 1ha nhãn cho thu hoạch hơn 300 triệu đồng.
Bên cạnh nhãn, chuối tiêu hồng cũng là một loại quả đang được trồng nhiều ở Khoái Châu. Do khí hậu phù hợp, diện tích đất bãi ven sông khá lớn và màu mỡ cộng với tiến bộ kỹ thuật về giống chuối nuôi cấy mô, hạn chế bệnh hại trên chuối nên năng suất chuối tiêu hồng rất cao. Hiện nay chuối tiêu hồng có thị trường tiêu thụ là các khu đô thị, nhà hàng, khách sạn và khu dân cư... Sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đảm bảo VSATTP. Cây chuối là cây ăn quả có chu kỳ trồng và khai thác khá nhanh, đầu tư không quá lớn so với các cây ăn quả khác; thời gian thu hoạch khá dài, gần như quanh năm; vì vậy được hộ nông dân vùng bãi mở rộng diện tích. Năm 2009, Sở NN&PTNT - Sở KH&CN - UBND huyện Khoái Châu ký hợp đồng thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng, thâm canh chuối tiêu hồng vùng bãi” để mở rộng trồng và thâm canh chuối tiêu hồng đặc biệt là chuối giống được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế vùng bãi và nhân rộng mô hình trồng cây chuối tiêu hồng.
Cùng với các loại hoa quả đặc sản, Khoái Châu còn được biết đến với đặc sản gà Đông Tảo. Độc và lạ, giống gà quý gà Đông Tảo là giống gà thuần chủng đã có từ xa xưa ở làng Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên. Từ lâu, loại gà này được nhiều người biết đến vì có hình dáng kỳ lạ: đầu gộc tre, thân giống con cóc, cánh vỏ trai, đuôi nơm, mào mâm xôi, da đỏ tía hoặc vàng nhạt. Vì giống gà này khó nuôi nên rất quý hiếm, khi ăn có mùi vị thơm ngon đặc biệt nên tương truyền ngày xưa thường dùng để tiến Vua. Gà Đông Tảo được xem là “chính hãng” khi được nuôi ở vùng Khoái Châu, Hưng Yên. Hiện nay, ngoài sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ trường Đại học Nông nghiệp 1, Sở Nông nghiệp Hưng Yên vừa qua đã xây dựng dự án hỗ trợ mỗi con gà giống Đông Tảo 30 nghìn đồng. Huyện Khoái Châu cũng như xã Đông Tảo đang tích cực tuyên truyền vận động các hộ bằng mọi cách duy trì và bảo tồn giống gene gà Đông Tảo trong địa phương.
Hiện nay, ngành nông nghiệp ở Khoái Châu đã và đang không ngừng phát triển các nông sản của địa phương đặc biệt là nhãn muộn, chuối tiêu hồng và gà Đông Tảo để các đặc sản này sẽ không còn xa lạ với thực khách trong và ngoài nước, góp phần đưa kinh tế Khoái Châu phát triển bền vững.