Bảo tồn phố cổ dựa trên quy hoạch tổng thể

Thảo Nguyên 15/07/2010 00:00

Trong khoảng 20 năm, Genova đã chứng kiến sự chuyển đổi chưa từng có trong việc bảo tồn phố cổ, được UNESCO đưa vào danh sách các di sản thế giới.

Genova là một thành phố cảng, một trong những bến cảng đầu tiên không chỉ của Italy mà của cả khu vực Địa Trung Hải. Nơi đây từng rất phát triển ngành công nghiệp luyện kim, nhưng sau đó, các xưởng sản xuất bị đóng cửa. Thêm vào đó, những năm 1980, Genova gặp khủng hoảng, phát sinh nhiều tệ nạn. Trước tình hình đó, chính quyền thành phố đã bắt đầu quá trình cải tạo thành phố, nhằm tạo việc làm mới, đồng thời, cải thiện môi trường và điều kiện sống cho người dân. Một trong các hoạt động nhằm thực hiện mục đích đó là trùng tu khu phố cổ ở trung tâm thành phố.

Khu phố cổ này được thiết kế vào giữa thế kỷ XVI, thuộc sở hữu của khoảng 200 gia đình quý tộc, gồm cung điện Palazzo Rosso, Palazzo Blanco, Palazzo Grimaldi và Palazzo Reale... Trước đó, nhiều tòa nhà vẫn có hậu duệ các gia đình sinh sống, một số cho ngân hàng thuê. Sau khi gặp khủng hoảng, phát sinh tệ nạn xã hội, nhiều gia đình quý tộc lo sợ không an toàn đã chuyển ra khỏi khu trung tâm thành phố, do vậy, nhà ở khu vực này rất rẻ, nhưng hầu hết bị xuống cấp, một số ngôi nhà từng bị đập bỏ để xây mới...

Nhằm cải tạo, bảo tồn khu phố cổ, Hiệp hội Kiến trúc sư Genova đã xây dựng quy hoạch cho từng khu vực, ban đầu chú trọng cải tạo những khu vực công cộng như quảng trường, vườn hoa. Dù có hơn 100 biệt thự, nhưng chỉ 40 nhà tiêu biểu được chọn để trùng tu, theo các tiêu chí như: xác định trục đường chính, giá trị kiến trúc, lịch sử, nghệ thuật của các tòa nhà. Bên cạnh đó, các khu phố đi bộ, mạng lưới tàu ngầm được thiết lập... Kết quả, tệ nạn xã hội ở trung tâm thành phố giảm đáng kể, một số khu phố thu hút trí thức đến sinh sống. Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng đã chuyển về khu phố cổ để hàng ngày quan sát và có giải pháp phù hợp.

Quá trình trùng tu kéo dài khoảng 20 năm, ban đầu mọi việc diễn ra khá chậm, sau đó càng ngày càng nhanh. Khi một khu phố được cải tạo, người dân các khu xung quanh thấy được sự thay đổi và tích cực đầu tư nâng cấp, nhằm cải thiện nơi ở, hoặc để cho thuê với giá cao hơn. Tất nhiên, quá trình này có sự giám sát và hướng dẫn của các chuyên gia. Thành phố có cơ quan quản lý những tòa nhà có giá trị, và có sổ về trùng tu, quy định rõ được sửa chữa những gì, phải bảo đảm những điều kiện gì...

Các tòa nhà được cải tạo, tất cả nhà máy, xí nghiệp trong thành phố dần được chuyển đi, thay vào đó là các bảo tàng, gallery, cửa hàng lưu niệm, dịch vụ du lịch, nghề thủ công truyền thống... Người dân có điều kiện sống tốt hơn, đồng thời, môi trường được bảo vệ tốt hơn. Các ngôi nhà cổ sau khi được trùng tu cũng có giá trị hơn. Những người không đủ tiền để thuê có thể chuyển ra vùng xung quanh, giúp giảm mật độ dân cư trong phố cổ. Hệ thống giao thông được nâng cấp để người dân đi lại thuận tiện.

Quy hoạch của Genova đã gây tiếng vang lớn, cho thấy bảo tồn phố cổ phải dựa trên một quy hoạch tổng thể, hội tụ nhiều yếu tố như: kiến trúc, đô thị, xã hội, kinh tế... Từ thành tựu thu được, năm 2004, Genova trở thành Thủ đô Văn hóa của châu âu. Năm 2006, UNESCO đã công nhận 40 tòa nhà ở khu phố cổ là Di sản thế giới. Không chỉ là di sản, ngày nay, phố cổ đã trở thành một phần không thể thiếu của thành phố cảng Genova.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo tồn phố cổ dựa trên quy hoạch tổng thể
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO