Chứa đựng nhiều giá trị văn hóa lịch sử
Đi du xuân kết hợp đi lễ đầu năm là dịp để người dân tìm kiếm sự kết nối với thiên nhiên, với những giá trị tâm linh, giúp tâm hồn trở nên thanh thản và an nhiên. Đây cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ những câu chuyện đời sống, cùng nhau tận hưởng không khí xuân tươi vui những ngày đầu năm. Từ đó, lắng đọng lại khoảnh khắc đáng trân quý, giúp mọi người cùng nhau gắn kết tình cảm gia đình. Đến với huyện Chi Lăng ngay từ đầu Xuân, tại đình làng Mỏ được trải nghiệm nhiều hoạt động lễ hội đầu xuân ý nghĩa.
![Chính quyền và nhân dân tham dự lễ hội Đình Làng Mỏ năm 2025. Ảnh: T. Bình avatar](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/bb7caf2cc7ddffb4132f3db5dbdffef253cb911ecbef1e50361e1ccc93a39e9c30091fd233f2f3758e3960bf55663659092e60fcc33c04fcfdcf60c3968ef108/2025-02-05-00-37-443.jpg)
Một số cao niên tại địa phương cho biết: đình làng Mỏ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX trên đỉnh đồi Đông Đình, xã Quang Lang (nay thuộc khu Hữu Nghị, thị trấn Đồng Mỏ), huyện Chi Lăng. Đình thờ Thành hoàng làng Lô Văn Lá (1774 - 1821) là người con trai thứ 5 của gia đình họ Lô (hay còn gọi là họ Lư), thuộc chi V, hệ thứ II ở làng Mỏ. Do thông minh, tài giỏi, ông được cất nhắc lên làm quan và thường được vua cử đi sứ, giao hảo với các nước lân bang. Ông thường xuyên dạy dân mở đất khai hoang phát triển cuộc sống. Ông nổi tiếng là người thanh liêm, chính trực, trong đó có câu chuyện phạt con trai 16 tuổi để làm gương cho dân. Ngoài ra, đình còn thờ vọng tướng Đại Huề, dân tộc Tày, quê ở làng Lìu (làng Cây Quýt), thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng. Khi giặc Minh sang xâm chiếm nước ta, ông đã đứng lên chiêu binh tập trận, lập ra các đội “tuần đinh, tuần tráng”, trở thành thủ lĩnh lãnh đạo Nhân dân địa phương chống giặc.
Trưởng ban Quản lý di tích đình làng Mỏ Vi Phương Tự cho biết, để ghi nhận công lao đóng góp, người dân địa phương chọn mùng 7 tháng Giêng hằng năm là ngày tổ chức lễ hội truyền thống của đình làng Mỏ. Phần lễ diễn ra tại đình làng Mỏ và đền Cấm (thị trấn Đồng Mỏ) với ý nghĩa xin phép ông Đại Huề, ông Lô Văn Lá cho phép mở hội và rước hai ông vui hội xuống đồng cùng dân làng; phần hội với các trò chơi dân gian, giao lưu dân ca và thưởng thức ẩm thực địa phương.
Kết nối các tuyến tour du lịch
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Đặng Ân cho biết, năm 2013, Nhân dân địa phương đã góp tiền của xây dựng lại gian hậu cung để làm nơi thờ cúng với diện tích 28m2. Năm 2016, bà con trong thôn góp công, góp của, đổ con đường bê tông dài 317m để lên đình và xây dựng một số hạng mục phụ trợ…
Bên cạnh tổ chức lễ hội hàng năm, địa phương còn khôi phục lễ hội xuống đồng; đồng thời, thành lập Ban Quản lý di tích đình. Năm 2022, các cơ quan chuyên môn đã khảo sát, xây dựng bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích đình làng Mỏ với tổng diện tích 3.456m2; phối hợp với Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ trình UBND tỉnh xếp hạng di tích cấp tỉnh. Theo đó, đã được trao bằng xếp hạng vào tháng 1.2023.
Nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và phục vụ nhu cầu tham quan, hành lễ của Nhân dân địa phương và du khách thập phương, ngày 8.8.2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 1378/QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích đình làng Mỏ. Sau 6 tháng thi công, đến nay khu di tích đình làng Mỏ đã cơ bản hoàn thành với tổng kinh phí trên 6,8 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Dương Xuân Huyên, đình làng Mỏ là công trình có ý nghĩa chính trị, lịch sử quan trọng, là thiết chế văn hóa tín ngưỡng, phục vụ các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống, phát huy giá trị di sản văn hóa, khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn huyện Chi Lăng nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung. Để phát huy tiềm năng du lịch cũng như công tác bảo tồn di tích, thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp UBND huyện Chi Lăng đẩy mạnh hoạt động quản lý di tích; tìm kiếm, kết nối các tuyến du lịch đến khu di tích. Đặc biệt là những tour du lịch đang triển khai gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch có điểm dừng chân tại đình. Từ đó, tạo động lực phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hiện nay, Khu di tích lịch sử Chi Lăng được xếp hạng di tích quốc gia, gồm 52 điểm di tích, trong đó có 24 điểm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Những điểm tham quan tại khu di tích phải kể đến như: Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng, Ải Chi Lăng, cụm di tích Đấu Đong Quân - nơi kiểm tra quân số trước và sau trận mạc, đền Quỷ môn - nơi thờ những người lính và vị quan trấn ải đã hy sinh trong các trận chiến lịch sử, núi Mã Yên - nơi tướng Liễu Thăng tử trận theo sử sách, núi Mặt Quỷ, chùa làng Trung... Tuy nhiên, đình làng Mỏ vẫn chưa được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Do đó, việc khánh thành và đưa vào hoạt động công trình mới đình làng Mỏ sẽ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, đời sống tinh thần người dân địa phương; đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc để phát triển du lịch bền vững.