Nhiều hạn chế, bất cập
Luật Di sản văn hóa được Quốc hội Khóa X thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 29.6.2001, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Luật được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XII (ngày 18.6.2009), tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy mạnh bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau 20 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và hơn 10 năm được sửa đổi, bổ sung, hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/ thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch… tạo thêm thế và lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung.
Đến nay, trên cả nước đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.591 di tích quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt, có trên 40.000 di tích, khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận/ghi danh, bao gồm: 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 14 di sản văn hóa phi vật thể; 7 di sản tư liệu. Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống 187 bảo tàng (với 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập).
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Các đại biểu nhận định, một số quy định của Luật còn mang tính nguyên tắc chung chung, tính khả thi chưa cao, hoặc không còn phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi hoặc bãi bỏ. Bên cạnh đó, một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được bổ sung mới trong Luật. Việc sửa đổi Luật cũng nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm phù hợp với những cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên...
Tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách mới
Tại hội thảo, các ý kiến đồng tình với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và mong muốn dự thảo Luật sẽ sớm được xây dựng và ban hành nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về di sản văn hóa bảo đảm yêu cầu đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn; khắc phục những bất cập của cơ chế chính sách để có hệ thống cơ chế, chính sách hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa.
Để đạt được các mục tiêu trên, sau khi rà soát các quy định của Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, cùng hệ thống pháp luật hiện hành; xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và kinh nghiệm của một số quốc gia, Ban soạn thảo đề xuất xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách mới: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn; Huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
TS. Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho rằng: Di sản tư liệu là loại hình thuộc di sản văn hóa nhưng chưa được quy định bởi bất kỳ luật nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có 7 Di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh (3 Di sản tư liệu Thế giới, 4 Di sản tư liệu Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương).
Thời gian tới, Di sản tư liệu của Việt Nam sẽ tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới và ngày càng có xu hướng gia tăng. Vì vậy, quy định loại hình Di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để điều chỉnh hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị là phù hợp và cần thiết.
Nhiều đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định nội dung các hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội, huy động được sự đóng góp, tham gia của tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa… Hiện nay do không có cơ chế, chính sách ưu đãi cho chi phí sản xuất; lợi nhuận không cao, nhiều rủi ro khi đầu tư, khó thu hồi vốn... là trở ngại rất lớn trong công tác vận động, thu hút nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ. Trong khi, nguồn kinh phí hỗ trợ công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa còn rất thấp so với nhu cầu...
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho rằng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đang đặt ra nhiều vấn đề. Với bảo tồn di tích là công tác chuyên môn về khảo cổ học, về di sản đô thị, tương quan giữa quá trình bảo tồn và phát triển, thu hút nguồn lực cho bảo tồn, tu bổ di tích. Với văn hóa di sản phi vật thể là tính tương thích với Công ước 2003 trong vai trò của tổ chức xã hội cũng như thực hành trong công tác bảo tồn di sản... Bộ tiếp tục thu nhận ý kiến để lập hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), là cơ sở trình bộ, ngành góp ý, thực hiện lộ trình xây dựng dự thảo Luật trình Quốc hội.