Bảo toàn vốn và trách nhiệm của người đại diện
Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang khá “chật vật”, mà nguyên nhân có thể từ chủ trương “bảo toàn vốn” của chủ sở hữu hay việc DNNN nắm giữ nhiều quỹ đất “vàng”…
Hầu hết đều cho thuê hoặc thế chấp
Hầu hết DNNN hiện nay đều sử dụng quỹ đất được giao vào mục đích cho thuê và thế chấp ngân hàng để lấy vốn đầu tư vào lĩnh vực khác. Trong khi đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngành nghề chính lại trở thành mục tiêu không quan trọng. Thậm chí, không xây dựng chiến lược phát triển ngành nghề chính, vì đã có nguồn thu từ cho thuê đất, bán thương hiệu và “mượn danh” DNNN. Các ngành nghề kinh doanh chính vì thế suy yếu dần và mất đi khả năng cạnh tranh, dẫn đến doanh nghiệp bị thua lỗ nghiêm trọng hoặc không tạo ra nguồn thu, lợi nhuận.
Trước áp lực bảo toàn vốn hoặc phải có lãi sau khi cổ phần hóa, DNNN đã tìm mọi phương thức chuyển đất Nhà nước giao sử dụng thành tài sản riêng của doanh nghiệp, được hợp thức hóa bằng cách xin Nhà nước, cơ quan chủ quản cấp bổ sung vốn (bằng đất) với giá thấp nhiều lần so với thị trường. Sau đó, nâng giá đất, đưa vào ngân hàng thế chấp và vay vốn nhằm bù đắp vào các khoản lỗ. Động thái này giúp an toàn trong khoản nợ, tránh thất thoát và bảo toàn vốn nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa, làm đẹp sổ sách, báo cáo. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ là thế chấp tạm thời với mức lãi suất rất cao nhằm tạo giá trị ảo khi xác định giá trị doanh nghiệp để thu hút cổ đông chiến lược, “qua mặt” nhà nước. Sau khi cổ phần hóa xong là lúc các nhóm lợi ích sẽ sẻ chia quyền lợi trên tài sản của Nhà nước.
![]() Nguồn: phapluatxahoi.vn |
Cần một “cuộc cách mạng”
Theo quy định tại Nghị định số 71/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn đã đầu tư tại doanh nghiệp. Mọi biến động về tăng, giảm vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp phải báo cáo chủ sở hữu và cơ quan tài chính để theo dõi, giám sát định kỳ 6 tháng, hàng năm để đánh giá hiệu quả sử dụng. Tuy nhiên, có những kẽ hở rất lớn trong việc giám sát báo cáo, bởi thực chất hệ thống một DNNN rất phức tạp và lớn. Một DNNN bao gồm nhiều công ty con, công ty cổ phần, liên doanh liên kết, sở hữu vốn chồng chéo, thậm chí còn sở hữu vốn ảo, vốn không được góp thật mà chỉ đóng góp tên, thương hiệu. Điều này dẫn đến hậu quả khó lường trong giám sát và thực thi nhiệm vụ của người được giao trách nhiệm đại diện vốn nhà nước. Đồng thời, việc báo cáo chủ sở hữu cũng không thể thực hiện theo đúng quy định, bởi không góp vốn thật sự nên không thể thực hiện việc kiểm soát thật sự. Do vậy, tình trạng thất thoát, thua lỗ, nợ nần chồng chất của các đơn vị thành viên ngày càng gia tăng với những con số khổng lồ.
Giám sát tài chính là nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình đổi mới, tái cơ cấu DNNN, là xương sống của một tổ chức, là cán cân đánh giá chiến lược và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm dễ dàng đưa ra các giải pháp quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Do vậy, các đơn vị chủ quản và các bộ, ban, ngành liên quan cần có một cuộc cách mạng trong công tác rà soát, giám sát chặt chẽ các thỏa thuận liên doanh, liên kết, đầu tư vào các công ty con, công ty cổ phần trước khi tiến hành định giá tài sản và giá trị của doanh nghiệp.
Đánh giá lại thực trạng tài chính, các hình thức nợ của các công ty con, công ty liên doanh, liên kết đối với công ty mẹ trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh mới có thể xác định giá trị thật, khả năng phát triển của DNNN sau khi cổ phần hóa. Đồng thời mới có thể làm rõ được trách nhiệm của người đứng đầu DNNN, đại diện vốn nhà nước trước khi cổ phần hóa và bức tranh “bảo toàn vốn” có đúng như những gì họ đang báo cáo hay không.