“Bảo tàng” nghệ thuật Phật giáo lớn nhất thế giới

10/06/2007 00:00

Nằm trên dãy núi Mingcha, cách thành phố Dunhuang 25km về phía Đông Nam, thuộc tỉnh Gansu, Tây Bắc Trung Quốc, quần thể hang động Mạc Cao (Mogao) được xem là Bảo tàng nghệ thuật Phật giáo hoành tráng nhất và được bảo tồn hoàn chỉnh nhất trên thế giới.

      Theo sử sách, các hang động Mạc Cao được đục chạm lần đầu tiên vào năm 366 sau công nguyên và hoàn thành vào thế kỷ thứ XIV. Trải qua nhiều triều đại, số hang đá không ngừng tăng lên cũng như được tu sửa ngày càng hoàn thiện hơn. Chỉ tính riêng thế kỷ thứ VII, đời nhà Đường đã có tới hơn 1.000 hang. Năm 1987, quần thể hang động Mạc Cao được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Các hang ở Mạc Cao được xây dựng dựa theo lối kiến trúc lăng mộ Phật giáo của Ấn Độ với cột trụ ở giữa. Khi tiến hành đục chạm, các nghệ nhân dưới nhiều triều đại đã tạo nên rất nhiều bức tượng Phật và vẽ nhiều bức bích họa. Do hang Mạc Cao lúc đó nằm trên “con đường tơ lụa” nối liền phương Đông với phương Tây cho nên nó chịu những ảnh hưởng giao thoa về tôn giáo, văn hóa và kiến trúc giữa phương Đông và phương Tây. Có thể nói nghệ thuật dân tộc Trung Quốc và nghệ thuật nước ngoài đan xen nhau trong hang Mạc Cao, với những phong cách nghệ thuật muôn hình muôn vẻ. 
      Trải qua những biến động của lịch sử, sự tàn phá của con người, hang Mạc Cao đến nay vẫn còn giữ được gần 500 hang động với 45.000m2 bích họa và 2.415 bức tượng Phật. Các pho tượng Phật ở đây đặc trưng với kỹ thuật tinh xảo, sự đa dạng về dáng vẻ, kích cỡ, màu sắc. Phục sức và thủ pháp thể hiện khác nhau đã phản ánh sự đặc sắc của nghệ thuật qua các thời đại. Hầu hết các pho tượng được lấy cảm hứng từ những nhân vật trong Phật giáo cũng như miêu tả chân thực hình ảnh của họ ở “Cõi niết bàn”. Ngoài nguyên liệu từ đá, không ít các pho tượng ở Mạc Cao còn được chạm khắc bằng đất sét. 

04-Bao tang-16107-300-A3.jpg

      Những bức bích họa ở hang Mạc Cao hoành tráng, đẹp và sinh động. Nếu nối các bức họa này lại với nhau sẽ tạo thành một bức tranh dài gần 25km. Bên cạnh đó, bích họa ở Mạc Cao còn nổi tiếng bởi sự hoàn thiện về mặt chủ đề. Ngoài Phật giáo, các bức họa còn thể hiện đời sống xã hội, kinh tế, phục sức ăn mặc, tạo hình, kiến trúc cổ đại, văn học, âm nhạc, múa, xiếc… của các dân tộc và các tầng lớp thuộc các thời đại khác nhau, cũng như ghi lại chân thực lịch sử giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và nước ngoài. Bởi vậy, các học giả phương Tây còn gọi những bức họa ở Mạc Cao là “Thư viện trên tường”. Trong số hơn 3.400 bức bích họa, có tới 200 bức vẽ các nhạc công và dàn nhạc danh tiếng, với đủ loại nhạc cụ khác nhau, tạo nên hình ảnh thu nhỏ về lịch sử âm nhạc của Trung Quốc qua hàng ngàn năm. Hang Mạc Cao ở Dunhuang còn được các thầy tu sử dụng như một thư viện bí mật, cất giấu hàng ngàn tài liệu cổ, sách giáo lý Phật môn cũng như các tác phẩm nghệ thuật. 

04-Bao tang-16107-300-A2.jpg

      Tuy nhiên, hang Mạc Cao cũng gặp phải thảm họa thất thoát cổ vật nghiêm trọng nhất trong lịch sử cận đại Trung Quốc. Năm 1900, một hang cất giấu sách cổ ở Mạc Cao đã bất ngờ được phát hiện và sau này gọi là “động giấu kinh”. Trong cái hang nhỏ dài và rộng 3m chất đầy gần 50.000 cuốn kinh thánh, văn thư, đồ thêu dệt, hội họa, tranh lục Phật giáo… bàn về tất cả các lĩnh vực của xã hội như lịch sử, địa lý, chính trị, dân tộc, ngôn ngữ văn tự, quân sự, tôn giáo, y dược, khoa học công nghệ… của Trung Quốc và các vùng Trung Á, Nam Á, châu Âu… và được mệnh danh là “Bách khoa toàn thư thời trung cổ”. Nhưng sau khi được phát hiện, các nhà thám hiểm trên thế giới đã ùn ùn kéo tới đây và chưa đầy 20 năm, họ đã lấy đi gần 40.000 cuốn kinh thư và rất nhiều bức bích họa, phù điêu quý. Hiện nay, số lượng cổ vật được lưu trữ tại các nước Anh, Pháp, Nga, Ấn Độ, Đan Mạch, Thụy Điển, Hàn Quốc, Mỹ… chiếm tới 2/3 số cổ vật trong “động giấu kinh”…
Cùng với việc phát hiện “động giấu kinh”, các nhà học giả Trung Quốc đã bắt đầu nghiên cứu về những văn thư đó và thu được những thành quả rất quan trọng. Ngày nay, quần thể hang Mạc Cao không chỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn. Vào mùa du lịch, ước tính trung bình mỗi ngày hang Mạc Cao đón tiếp gần 700 lượt người đến tham quan. Từ lâu hang Mạc Cao đã được xem là kho báu trong nền văn hóa Trung Quốc.

Phương Hằng

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Bảo tàng” nghệ thuật Phật giáo lớn nhất thế giới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO