Trong đó, Thiên thượng đồ là bức tranh thờ cuộn trục khổ dọc, có độ dài lên tới 13m, bề rộng 26cm, vẽ màu tự nhiên trên giấy dó, có niên đại khoảng đầu thế kỷ XX. Đây là một trong số rất ít tác phẩm có độ dài hiếm có, cả trong bộ sưu tập mà nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ dày công có được cũng như trong thực tiễn. Bức tranh thờ có bố cục chặt chẽ, nét vẽ thanh thoát, màu sắc tươi nhuận, là bức tranh có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.
Bức Cung nghênh Phật giá cũng là tranh thờ cuộn trục khổ dọc (tranh cầu ngắn), hình vẽ đẹp, màu sắc tươi, giấy nhuốm màu thời gian… bức tranh diễn tả tích người dân đón chào các đức Phật.
Theo nhà nghiên cứu tranh dân gian Phan Ngọc Khuê, những bức tranh này có thể coi như một “bách khoa toàn thư” về thế giới tâm linh của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Thông qua các bức tranh thờ này, chúng ta có thể có thêm những hiểu biết sâu sắc hơn hơn về đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc…
Trân trọng tiếp nhận hai bức tranh quý từ nhà sưu tập Phạm Đức Sĩ, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh cho đây là 2 món quà vô cùng ý nghĩa được trao tặng được bổ sung, góp phần tăng thêm sự phong phú trong sưu tập của Bảo tàng. Đặc biệt, với bức tranh Thiên thượng đồ dài tới 13m, lần đầu tiên, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có một bức tranh dài và quý như vậy.