Báo cáo Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong cuộc làm việc ngày 14.9, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Bùi Ngọc Quang cho biết, Tòa Trống đồng, không gian trưng bày về các dân tộc ở Việt Nam, được xây dựng từ thời bao cấp, đến nay đã bộc lộ rất nhiều bất cập và xuống cấp trầm trọng. Tòa nhà 2 tầng này có diện tích không đủ rộng và được thiết kế không phù hợp cho phần trưng bày 54 dân tộc Việt Nam. Hệ thống ánh sáng cũng như hệ thống thông gió đều bất hợp lý. Đặc biệt, nguyên liệu và kỹ thuật xây dựng của thời bao cấp không bảo đảm chất lượng nên tòa nhà bị lún, nứt, thấm nước... nghiêm trọng, thường xuyên cần sửa chữa, ảnh hưởng rõ rệt đến công tác bảo quản hiện vật trong trưng bày và phục vụ khách tham quan.
Một trong các thế mạnh và điểm nhấn của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam là khu bảo tàng ngoài trời, một khu vườn kiến trúc rất hấp dẫn du khách, nơi trưng bày những công trình kiến trúc dân gian đặc sắc và quý giá của nhiều tộc người ở Việt Nam. Mặc dù khu trưng bày này đòi hỏi đầu tư kinh phí không nhỏ cho việc duy tu, sửa chữa, thay thế nhưng nhiều năm nay các ngôi nhà đã không được đầu tư đúng mức nên cũng bị hư hỏng, xuống cấp nhanh chóng, nghiêm trọng. Thêm nữa, khu trưng bày này lại chịu những tác động bất lợi bởi khu dân cư kề bên nên tiềm ẩn nhiều rủi ro và không tương xứng với vị thế của một điểm tham quan văn hóa, nhất là trong mắt du khách nước ngoài.
Những bất cập về cơ sở vật chất/cơ sở hạ tầng nêu trên, theo ông Bùi Ngọc Quang, là do những hạn chế rất lớn về tài chính. Để tổ chức các hoạt động đa dạng, phong phú và thường xuyên phục vụ công chúng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cần nguồn kinh phí lớn. Trong điều kiện hiện nay, nguồn kinh phí chủ đạo do ngân sách nhà nước cấp. Song, với số tiền phân bổ đầu tư rất khiêm tốn của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (hơn 8 tỷ đồng/năm), Bảo tàng không đủ kinh phí cho nhiều nhiệm vụ, công tác quan trọng như: quản lý, bảo quản hiện vật và tư liệu; hoạt động nghiên cứu - sưu tầm, thực hiện các cuộc trưng bày chuyên đề, tổ chức trình diễn văn hóa; và nhất là bảo tồn những công trình kiến trúc dân gian đang xuống cấp nghiêm trọng trong khu trưng bày ngoài trời.
“Rõ ràng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã có nhiều đóng góp không nhỏ đối với không chỉ Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và ngành văn hóa mà còn đối với toàn xã hội. Tuy nhiên, đầu tư cho sự vận hành phát triển của Bảo tàng hiện nay chưa xứng tầm với một bảo tàng quốc gia”, ông Bùi Ngọc Quang tâm tư.
Để khắc phục những khó khăn, thách thức hiện nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mong muốn được Nhà nước đầu tư đúng mức để Bảo tàng phát triển tương xứng với một bảo tàng cấp quốc gia và hàng đầu ở Việt Nam, một bảo tàng hiện đại và tiên tiến ở châu Á. Đồng thời, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho phép Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hoạt động như một cơ quan đặc thù (bảo tàng), không giống các viện nghiên cứu chuyên ngành…
Đoàn khảo sát ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Mặc dù đã khẳng định vị trí, thương hiệu trong và ngoài nước, hoạt động trưng bày vừa bám tôn chỉ, mục đích, vừa phục vụ tốt nhu cầu của các đối tượng khách tham quan đến nghiên cứu, tìm hiểu; song tổ chức bộ máy, biên chế của Bảo tàng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, đầu tư cho duy tu cơ sở vật chất còn hạn chế…
“Băn khoăn nhất là không có kinh phí nên một số lượng hiện vật lớn không được đưa ra trưng bày, trưng bày cũ không thể thay đổi, không tạo ra sự mới mẻ, hấp dẫn đối với công chúng”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng - Trưởng đoàn khảo sát nhấn mạnh.
Ngoài những vướng mắc do các quy định pháp luật, Đoàn khảo sát đề nghị Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tham mưu, đề xuất với cơ quan chủ quản (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tháo gỡ một số vướng mắc trong thẩm quyền để Bảo tàng có điều kiện phát triển tương xứng với tiềm năng, yêu cầu, nhiệm vụ trong hệ thống bảo tàng quốc gia. Ngoài thể chế, chính sách chung, Bảo tàng cần có đề xuất cụ thể, có đề án, kế hoạch chi tiết, đặc biệt liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, có nghiên cứu lý luận, thực tiễn, gắn với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được thành lập năm 1995, trực thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia (nay là Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Ngày 12.11.1997, Bảo tàng khai trương trưng bày và bắt đầu phục vụ công chúng.
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học và các hoạt động nghiệp vụ bảo tàng nhằm giới thiệu, phổ biến, giáo dục về lịch sử, văn hóa của các dân tộc ở trong nước và nước ngoài; cung cấp tư liệu, luận cứ khoa học về các dân tộc cho các cơ quan quản lý nhà nước; tư vấn, cung cấp các dịch vụ và hoạt động bảo tàng; tham gia đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực về bảo tàng học, nhân học, dân tộc học cho đất nước.