Bão số 3 Wipha: Từ 10 giờ hôm nay bão đi vào đất liền, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đang tăng nhanh
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy quốc gia thông tin, khoảng 10-14 giờ hôm nay, bão số 3 Wipha sẽ đi vào đất liền. Đồng thời, mưa do bão số 3 khiến nguy cơ lũ quét và sạt lở đất đang tăng nhanh, đặc biệt tại vùng núi Thanh Hoá và Nghệ An.
Sáng ngày 22/7, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, bão số 3 đã gây mưa lớn trong đất liền nhiều nơi ở Bắc Bộ đêm qua.
Dự báo trong ngày và đêm nay, hoàn lưu bão số 3 sẽ gây mưa lớn ở khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trọng tâm là Hưng Yên, Ninh Bình, Nam Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An phổ biến 150-250mm, cục bộ có nơi trên 500mm.
Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3h). Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Người dân đặc biệt lưu ý về vấn đề lũ quét sạt lở đất ở khu vực Nam Sơn La, Nam Phú Thọ, khu vực phía Tây của tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An không chỉ trong hôm nay mà cả trong 2-3 ngày tới.

Để đảm bảo an toàn, người dân lưu ý theo các khuyến cáo sau:
- Theo dõi diễn biến của bão để chủ động ứng phó.
- Ở yên trong nhà, nơi trú ẩn an toàn (đóng chặt cửa, tránh xa cửa sổ, khu vực có kính).
- Tuyệt đối không ra ngoài khi bão đang đổ bộ, trừ trường hợp khẩn cấp. Nếu buộc phải đi ra ngoài, cần mang theo các vật dụng như đèn pin, áo phao, còi, điện thoại để liên lạc khi có sự cố.
- Không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ. Đề phòng tai nạn do đổ nhà, cây cối, cột điện, các vật bị gió thổi bay, điện giật,…
- Chủ động ngắt nguồn điện, khóa ga nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, điện giật trong điều kiện mưa bão nguy hiểm.
- Tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền, chòi canh, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản khi bão đổ bộ. Không quay lại khi bão chưa tan.
- Lưu ý thời gian tâm bão vào vì sẽ có khoảng 30 phút – 1 tiếng lặng gió trước khi gió đổi hướng và mạnh trở lại.
- Đề phòng mưa, lũ, ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, khu vực đô thị và lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi; đề phòng nước dâng vùng ven biển, cửa sông.
- Lưu số điện thoại cứu hộ cứu nạn địa phương, thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm cho lực lượng chức năng trong trường hợp khẩn cấp.
- Chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.