Bao quát toàn bộ các nguồn thu, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện
Chiều 17.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành được sửa đổi để hoàn thiện quy định về chính sách thuế giá trị gia tăng, bảo đảm bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu; bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện Luật; bảo đảm thu đúng, thu đủ vào ngân sách nhà nước, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước; phù hợp với xu hướng cải cách thuế của quốc tế...
Đồng thời, đổi mới các nội dung và điều luật theo hướng gia tăng, luật hóa các quy định đã thực hiện ổn định tại văn bản dưới luật nhằm cải cách thủ tục hành chính; cải cách thủ tục quản lý thuế theo hướng đơn giản, rõ ràng, thống nhất, ổn định chính sách, thực hiện quản lý thuế điện tử, bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế, tự giác nộp đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) gồm 4 chương, 18 điều, trong đó giữ nguyên 5 điều tại Luật hiện hành; sửa đổi, bổ sung 11 điều; bổ sung một điều quy định về thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng; bổ sung một điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.
Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng trong 26 nhóm này.
Trong đó, bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ (do Luật Thủy sản đã thay tên gọi mới là tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển); lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng...
Về đối tượng áp dụng thuế suất 0%, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định “công trình xây dựng, lắp đặt ở nước ngoài, trong khu phi thuế quan” là hàng hóa xuất khẩu được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% để luật hóa quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật (điểm a khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật). Bổ sung quy định “hàng hóa đã bán tại khu vực cách ly cho cá nhân (người nước ngoài hoặc người Việt Nam) đã làm thủ tục xuất cảnh” và “hàng hóa đã bán tại cửa hàng miễn thuế” thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% để khuyến khích xuất khẩu đồ thủ công mỹ nghệ, hoạt động bán hàng miễn thuế, thu hút khách du lịch (điểm a khoản 1 Điều 9 dự thảo Luật).

Đồng thời, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định không được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số theo quy định của Chính phủ để bảo đảm tính linh hoạt cho việc xác định sản phẩm, dịch vụ này được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp…
Về đối tượng áp dụng thuế suất 5%, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ; đồng thời bỏ 2 loại hàng hóa.
Cụ thể: bỏ 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ (thực phẩm tươi sống, lâm sản chưa qua chế biến; đường, phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn; hoạt động văn hóa, hoạt động triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim) và 2 loại hàng hóa (nhựa thông sơ chế; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học).
Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; quy định mức doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2026 để không gây xáo trộn đối với các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán đã được ấn định thuế từ đầu năm...
Cân nhắc bổ sung phạm vi sửa đổi, bảo đảm bao quát, tổng thể với các nguồn thu
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh bày tỏ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng hiện hành để giải quyết các bất cập trong thực tiễn cũng như hoàn thiện chính sách thu, phù hợp với mục tiêu đề ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 đã xác định mục tiêu hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng là mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo lộ trình…”.
Nhấn mạnh yêu cầu này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, Tờ trình của Chính phủ chưa thật bám sát các mục tiêu này và các định hướng về bao quát, mở rộng cơ sở thu, tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất và tăng thuế suất theo lộ trình. Nhiều nội dung sửa đổi là nội dung đã được quy định tại các văn bản dưới Luật hoặc để đồng bộ với các luật chuyên ngành nên thực chất số lượng các điều, khoản có nội hàm mới so với quy định hiện hành chưa nhiều, chưa thật tương xứng với quy mô của Luật sửa đổi toàn diện. Do vậy, đề nghị Chính phủ cân nhắc bổ sung phạm vi sửa đổi, bảo đảm tính bao quát, tổng thể đối với các nguồn thu, ít nhất là trong trung hạn của hệ thống chính sách thuế giá trị gia tăng.

Mặt khác, quan điểm chỉ đạo đã được xác định trong sửa đổi Luật là “nội dung cần sửa đổi, bổ sung phải có quy định rõ ràng, minh bạch, có đánh giá tác động cụ thể”.
Tuy nhiên, một số nội dung sửa đổi chưa đáp ứng được yêu cầu này như quy định về thuế suất, giá tính thuế, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng; đối với bất động sản, nội dung sửa đổi không được thể hiện rõ trong dự thảo Luật và chỉ bổ sung nội dung giao “Chính phủ/Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết”, để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các nội dung đang quy định tại các văn bản dưới Luật.
Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, hoàn thiện để bảo đảm nhất quán giữa nội dung thể hiện trong Báo cáo tổng kết thi hành luật, các quan điểm chỉ đạo trong xây dựng dự án Luật với nội dung thể hiện trong dự thảo Luật.
Về đối tượng áp dụng thuế suất 0%, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho ý kiến với việc bổ sung công trình xây dựng, lắp đặt ở nước ngoài, trong khu phi thuế quan và hàng hóa cung cấp cho khách hàng nước ngoài khác theo quy định của Chính phủ; hàng hóa xuất khẩu gồm hàng hóa được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan; hay các dịch vụ xuất khẩu… được áp dụng mức thuế suất 0%.
Trong đó, với việc bổ sung hàng hóa xuất khẩu gồm hàng hóa được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, trong khu phi thuế quan được áp dụng thuế suất 0%, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, theo nguyên tắc của thuế giá trị gia tăng, hàng hóa được hưởng thuế suất 0% chỉ khi thực tế được xuất khẩu; hàng hóa được tiêu dùng trong khu phi thuế quan và cuối cùng không xuất khẩu thì không được hưởng thuế suất 0%.
Việc quy định toàn bộ hàng hóa tiêu dùng/ bán vào/ cung ứng cho các khu chế xuất, các doanh nghiệp chế xuất được hưởng thuế suất 0% như đối với xuất khẩu là chưa phù hợp đối với phần hàng hóa được sản xuất để bán vào thị trường nội địa và tạo ra sự phân biệt đối xử so với các doanh nghiệp trong nước có sản xuất xuất khẩu.
Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ về tính hợp lý của quy định cho phép các doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế thuế suất 0% trong khi đồng thời được bán hàng vào nội địa; báo cáo cụ thể về thực trạng quản lý thu thuế đối với các doanh nghiệp này… để có cơ sở thiết kế chính sách phù hợp, bảo đảm công bằng với các doanh nghiệp trong nước và tránh thất thu thuế.
Về việc bổ sung đối tượng áp dụng thuế suất 5%, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, dự thảo Luật chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%.
Về nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất, đồng tình với nội dung của dự thảo Luật để giải quyết vướng mắc, bất cập kéo dài của chính sách thuế giá trị gia tăng hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về các hàng hóa này.
Loại ý kiến thứ hai, không tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đối với người nông dân.
Đồng thời, tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho ý kiến với các nội dung gồm: định hướng tăng mức thuế suất phổ thông 10%; phương pháp tính thuế; khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; các trường hợp hoàn thuế; điều kiện khấu trừ thuế, áp dụng thuế suất 0%...