Tính đến hết ngày 30.9, toàn tỉnh Quảng Nam có 220.042 người tham gia BHXH (đạt 88,86% so với kế hoạch được giao), trong đó BHXH bắt buộc là 199.792 người (đạt tỷ lệ 92,68%), BHXH tự nguyện 20.250 người (đạt tỷ lệ 63,15%); bảo hiểm thất nghiệp 186.314 người (đạt 92,58%), bảo hiểm y tế (BHYT) 1.476.319 người (đạt tỷ lệ 99,11%).
BHXH tỉnh Quảng Nam đã giải quyết 947 trường hợp hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; 15.327 người hưởng chế độ một lần; 122.938 người hưởng chế độ ốm đau; 18.195 người hưởng chế độ thai sản; 5.094 người hưởng chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe; hơn 2,7 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết ngày 30.9, cả 304 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn toàn tỉnh đã thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng Căn cước công dân.
BHXH tỉnh thực hiện giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho BHXH các huyện, thị xã, thành phố. Trên cơ sở phân tích, xác định nhóm người hưởng tiềm năng; BHXH các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm, các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn hướng dẫn người lao động khai báo thông tin tài khoản để nhận chế độ qua tài khoản cá nhân ngay từ khi lập hồ sơ đề nghị hưởng các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp.
Đến nay, số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản ATM là 22.324/36.571 người (đạt 61% tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH).
Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao những tháng cuối năm, Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thanh Danh cho biết, ngành BHXH sẽ chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Từ đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp; phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.
Ngoài ra, cần đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư. Trong truyền thông, cần chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng internet, mạng xã hội; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, từ đó thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH cấp huyện thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển người tham gia, đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ quyền lợi cho người tham gia. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu sẽ được BHXH tỉnh khai thác tối đa; tiếp tục đẩy mạnh chi trả chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị.