Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp là rất phù hợp
Các đại biểu Quốc hội Tổ 13 cơ bản nhất trí sự cần thiết, mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi); đồng thời tập trung thảo luận một số vấn đề trọng tâm của dự án Luật như: cho vay giải quyết việc làm, tín dụng chính sách giải quyết việc làm (Điều 7) và đối tượng vay vốn (Điều 8); chính sách hỗ trợ tạo việc làm, cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 10 và Điều 11); chính sách việc làm công (Điều 14 và Điều 15); chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên (Điều 16); chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi (Điều 17); thông tin thị trường lao động (Điều 28); tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (Điều 36); hội đồng kỹ năng nghề (Điều 37); đánh giá viên kỹ năng nghề quốc gia (Điều 40); quy định về tư vấn viên dịch vụ việc làm (Điều 48); trung tâm dịch vụ việc làm (Điều 49); nhiệm vụ trung tâm dịch vụ việc làm (Điều 50); bảo hiểm thất nghiệp...
Nêu quan điểm về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đánh giá cao việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Chính phủ đã tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp thời gian qua về việc giảm tỷ lệ đóng BHTN của người sử dụng lao động và người lao động.
Theo quy định hiện hành, người lao động và người sử dụng lao động đóng BHTN cố định bằng 1% tiền lương tháng. Dự thảo Luật quy định giảm tỷ lệ đóng BHTN theo hướng linh hoạt: người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những người lao động đang tham gia BHTN và do ngân sách Trung ương bảo đảm. Đồng thời giao cho Chính phủ căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ BHTN quy định chi tiết mức đóng.
Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, quy định như dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp. Về cơ sở lý luận, cơ sở chính trị, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW cũng nhấn mạnh việc sửa đổi các quy định về mức đóng, tăng cường tính linh hoạt của chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Còn về cơ sở thực tiễn, Quỹ BHTN kết dư khá lớn từ năm 2010 đến nay. Cụ thể theo Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Việc làm, từ năm 2010 đến hết năm 2020 số thu luôn vượt số chi và đến hết năm 2020 kết dư Quỹ BHTN lên đến gần 90 nghìn tỷ đồng.
Có giải pháp căn cơ, lâu dài giải quyết chậm đóng, trốn đóng BHTN
Để hoàn thiện hơn quy định về BHTN, đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, quy định về khoảng thời gian đóng từ 12 đến 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp chưa thật sự tạo công bằng giữa người tham gia 12 tháng và người tham gia 36 tháng, đồng thời quy định thời gian hưởng BHTN tối đa 12 tháng như vậy là không phù hợp với nguyên tắc đóng - hưởng của BHTN.
Đại biểu chỉ rõ, nguyên tắc đóng - hưởng của chế độ BHTN tương tự như nguyên tắc đóng hưởng của chế độ BHXH. Nghĩa là người lao động phải có đóng mới được hưởng và mức thụ hưởng tùy theo mức tiền lương đóng và thời gian đóng, hay "hiểu nôm na là đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít".
"Vậy một câu hỏi đặt ra là tại sao người lao động tham gia BHXH đến khi đủ tuổi nghỉ hưu mà sau khi tính hưởng lương hưu đủ tối đa 75% còn thừa thời gian đóng BHXH thì ngoài được hưởng lương hưu, người lao động còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với thời gian còn lại (quy định tại Điều 68 Luật BHXH năm 2024). Nhưng đối với BHTN lại quy định thời gian hưởng tối đa là 12 tháng, đồng thời tại điểm đ khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật quy định không cho bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (tương ứng với 12 tháng hưởng BHTN)?".
Cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp và không đúng với nguyên tắc đóng - hưởng tại Điều 54 dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị bỏ quy định thời gian hưởng tối thiểu là 3 tháng, thay vào đó là tính hưởng theo thời gian đóng, cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng và không hạn chế thời gian hưởng tối đa BHTN là không quá 12 tháng, đồng thời bỏ quy định không bảo lưu thời gian đóng BHTN trên 144 tháng (điểm đ khoản 3 Điều 60 dự thảo Luật).
Ngoài ra, đối với người lao động khi nghỉ hưu còn thời gian tham gia BHTN chưa được hưởng cũng được hưởng một khoản trợ cấp BHTN một lần tương tự như khi tham gia BHXH để đảm bảo tính công bằng có đóng, có hưởng của người lao động.
ĐBQH Thái Thu Xương (Hậu Giang) đề nghị mở rộng đối tượng tham gia đóng BHTN theo hướng tự nguyện. Thực tế cho thấy, đối tượng tham gia chủ yếu là đối tượng có hợp đồng lao động, còn các đối tượng không có hợp đồng lao động, lao động tự do không được đóng BHTN, trong khi những đối tượng này có nguy cơ thất nghiệp nhiều hơn. Việc mở rộng đối tượng này cũng nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết số 28 của Trung ương, qua đó nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết các vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHTN. "Chúng ta cũng nên đưa ra và có hướng xử lý như với bảo hiểm xã hội. Vừa qua, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động bị ảnh hưởng. Với BHTN cũng như vậy, người lao động mong muốn đóng góp BHTN để chẳng may khi bị mất việc làm thì còn có sự hỗ trợ, nhưng doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng thì người lao động sẽ không được hưởng chế độ BHTN. Do đó, cần nghiên cứu để thực hiện, không nên đẩy vấn đề khó khăn này cho người lao động".