Tản mạn:

Bao giờ trở lại

- Thứ Ba, 12/10/2021, 07:57 - Chia sẻ
Rồi dần dần họ cũng trở lại, nhưng những ngày sắp tới sẽ khó khăn cho Sài Gòn khi không có họ, và quê nhà có lẽ cũng khó khăn khi áp lực đời sống tăng cao mà thiếu việc làm...

Sài Gòn, sau những ngày gian lao và mất mát bởi dịch bệnh, giờ vẫn còn gian lao. Thành phố đã mở cửa trở lại, một phần, nhưng vẫn còn đó bao mối lo canh cánh.

Những khu trọ tan hoang do dịch bệnh, giờ vắng vẻ khi hàng trăm ngàn người đã và tiếp tục rời khỏi thành phố. Rất khó, để phần lớn trong số họ quay lại Sài Gòn trước tết. Một phần khác sẽ không trở lại nữa, họ có kế hoạch khác cho cuộc đời mình, và trong đó không có Sài Gòn.

Rồi dần dần họ cũng trở lại, nhưng những ngày sắp tới sẽ khó khăn cho Sài Gòn khi không có họ, và quê nhà có lẽ cũng khó khăn khi áp lực đời sống tăng cao mà thiếu việc làm, không có thu nhập.

Về quê sống bằng gì? Đất đai đã lên phố hoặc đã bán. Mấy cô công nhân gần nhà tôi nói họ sẽ bán một mẹt hàng đầu xóm hoặc học nghề hớt tóc, trang điểm hay phụ bán cửa hàng. Hỏi mấy cô ở khu trọ khác, các cô cũng nói sẽ bán mẹt hàng, hớt tóc trang điểm hay giúp việc. Tôi nghĩ, sẽ không đủ việc làm cho họ, trừ khi người quê sẽ ăn hàng gấp đôi và hớt tóc gấp ba lần trước đây.

Xê dịch và di chuyển các khu công nghiệp quanh thành phố về tỉnh? Có thể, nhưng đó là chuyện chí ít cũng nhiều năm sau. Chưa kể đến việc ngoài biến động quy hoạch thì các tiêu chí giao thông, cảng biển và vùng nguyên liệu đâu có sẵn để mà dời. 

Rồi họ cũng sẽ trở lại, nhưng trước mắt Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai sẽ đối mặt với khủng hoảng thiếu lao động; một phần dây chuyền máy móc sẽ nằm đó một thời gian vì không đào đâu ra nhân lực; những dịch vụ lâu nay phục vụ người lao động sẽ đói meo.

Hai năm nay tôi hay nhìn vào quán bún buổi sáng của bà Chín đầu đường Dương Thị Giang. Từ 80 - 100 tô/ngày hồi 2019, nó giảm xuống 60 - 40 - 30 và đóng cửa từ tháng 5 tới giờ. Những công nhân về quê đã mang theo cả món nợ mì tôm, dầu ăn, bột ngọt và số tiền ăn sáng chưa trả. Không biết mai mốt này khi đủ khách để mở lại, ông bà có còn sức mà bán không. 

Điều gì đang chờ đợi những đồng bào mấy hôm nay đổ về quê. Quê nhà dang tay đón và "rau cháo có nhau", nhưng quê nhà sao bố trí kịp việc làm và thu nhập. Phải nhớ rằng họ đã rời quê không phải với giấc mơ đổi đời gì cả, họ rời quê là để làm việc, mưu sinh khi ở quê không có công việc và thu nhập ấy. Thì bây giờ đổ về, làm sao ngày một ngày hai có thể tìm ra tiền để sống. Xưa, họ đi làm dành dụm gởi về nhà, và giờ đây tất cả cùng chia nhau nguồn sống ít ỏi vốn chỉ dành cho người ở quê. Hạt gạo chẻ tư là có thật.

Rồi họ sẽ dần dần trở lại, nhưng từ đây tới đó thành phố sẽ buồn, ở quê sẽ khó khăn, tất cả sẽ nghèo hơn xưa.

Cơn bão nào cũng tan, nhưng sẽ có những gãy đổ. Sẽ rất lâu cho cành non thành cổ thụ, cây non trồng mới lên xanh. Như cái cây cổ thụ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm đổ sập hàng rào sở thú trong cơn mưa trưa, để lại khoảng trống trong lòng phố...

Đức Hiển