Đô thị nhân văn với người khuyết tật

Bao giờ mới thành hiện thực?

- Chủ Nhật, 15/08/2021, 06:01 - Chia sẻ
Để người khuyết tật có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, có thể tiếp cận được các không gian công cộng, các đô thị cần quan tâm đến các giải pháp thiết kế một đô thị nhân văn với đầy đủ hệ thống, biển báo, đường ưu tiên. Để làm được điều này, quá trình thực thi chính sách cần phải loại bỏ tư duy làm cho có và làm dành cho đối tượng yếu thế.
Không phải điểm chờ xe buýt BRT nào người khuyết tật cũng có thể tiếp cận được
Nguồn: ITN

Thực hiện còn nửa vời

Để bảo đảm quyền của người khuyết tật, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, đơn cử như: Luật Người Khuyết tật và các văn bản hướng dẫn; đặc biệt gần đây là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình bảo đảm người khuyết tật tiếp cận sử dụng (QCVN 10:2014/BXD). Đây cũng là nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật mà Việt Nam là nước thứ 158 trên thế giới phê chuẩn năm 2014.

Với việc ban hành quy chuẩn này, nhiều công trình, giao thông công cộng có những thiết kế như đường gờ, đường dành cho xe lăn tạo thuận lợi cho người khuyết tật khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội Dương Thị Vân, việc thực hiện các quy chuẩn vẫn tồn tại nhiều bất cập. Có chỗ đường dẫn với gạch (tấm lát) định hướng khi đổi hướng không có gạch (tấm lát) cảnh báo; có chỗ gạch dẫn hướng xuống lòng đường hoặc gốc cây... mà không có gạch cảnh báo. Bên cạnh đó, đa số các vỉa hè người dân, cơ quan, đơn vị phải tự tạo ra những lối lên bằng tấm xi măng, vài viên gạch, tấm sắt đan... để phương tiện (xe máy, xe nôi, xe ba bánh...) có thể lên xuống được vỉa hè.

Thực tế tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội, một số vỉa hè đã có những đường gờ trên gạch lát đường để người khiếm thị nhận dạng, như đường Bà Triệu, Văn Cao, Tràng Thi… Nhưng nhiều tuyến vỉa hè có gạch chỉ dẫn cho người khiếm thị lại hướng thẳng vào gốc cây hoặc cột điện. Đáng chú ý, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình bảo đảm người khuyết tật được tiếp cận sử dụng quy định rõ về đường cho xe lăn phải bảo đảm chiều ngang, độ dốc, tay vịn, cửa thang máy, nhà vệ sinh... Thế nhưng, nhiều nơi làm cho có, hoặc bớt xén diện tích; không ít nhà vệ sinh có biển ghi dành cho người sử dụng xe lăn nhưng sau một thời gian lại thành "nhà kho" hoặc khóa trái.

Đánh giá về những “lỗ hổng” trong việc thực hiện các Quy chuẩn công cộng dành cho người khuyết tật, nhiều chuyên gia pháp lý đã thẳng thắn khi cho rằng: Công trình thẩm tra, thẩm định bảo đảm tiếp cận cho người khuyết tật thường đạt trên 80 - 90% nhưng thực tế vẫn là sự tiếp cận nửa vời, thậm chí một số công trình khi đưa vào vận hành không có sự hiện diện của hạng mục công trình người khuyết tật có thể tiếp cận được. Đơn cử như hệ thống xe buýt nhanh BRT Hà Nội là điển hình cho công trình mới, có điểm chờ trong nhà, có tuyến đường riêng để chạy, vậy nhưng, 9/21 điểm nhà chờ lại không có lối đi cho xe lăn.

Công trình công cộng người khuyết tật có thể tiếp cận được trước hết phải bắt đầu từ các trụ sở hành chính nhà nước từ cấp xã, phường, trường học, siêu thị, trung tâm thương mại, mở rộng ra đến các công trình giao thông và các công trình văn hóa, giải trí. Nếu không, người khuyết tật sẽ vẫn bị bỏ lại phía sau dẫu hệ thống chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam về người khuyết tật được cho là rất đầy đủ.

Gắn với đô thị thông minh

“Một đô thị nhân văn phải được thiết kế thân thiện với người khuyết tật. Nhiều thành phố đã cải tạo một số tuyến đường và vỉa hè tiếp cận được cho người khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều bất cập. Do đó, rất cần tiêu chuẩn xây dựng đường và hè phố phù hợp thực tế và các giải pháp sáng tạo. Tất cả hãy cùng nhau hành động, đồng hành với sự hòa nhập của người khuyết tật, làm cho thành phố thân thiện với tất cả mọi người, mọi công dân”, bà Vân đề xuất.

Cùng chung quan điểm với bà Vân, nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng: Để thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030, các cấp chính quyền cần rà soát toàn bộ công trình, đặc biệt là công trình công cộng, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện…; đồng thời coi việc thiết kế và xây dựng đô thị với đầy đủ các hạng mục là nhân tố quan trọng để xây dựng đô thị thông minh đa phương tiện chứ không phải làm mang nặng tư duy “làm cho người khuyết tật”. Bởi, thực chất đường dành cho xe lăn, ai cũng có thể, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Tay vịn trong nhà vệ sinh cũng rất cần cho người già. Nhà vệ sinh cho người khuyết tật không phải chỉ mở cho người khuyết tật dùng, mà ai cũng được sử dụng, nhưng khi có người khuyết tật thì họ được ưu tiên…

Với một đất nước mà tỷ lệ người khuyết tật chiếm 7% dân số Việt Nam, trong đó khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật, Giám đốc công ty Hòa nhập người khuyết tật, Tư vấn độc lập trong Phát triển hòa nhập người khuyết tật Australia, TS. Joanne Webber cho rằng, Việt Nam cần vận động chính sách để thúc đẩy môi trường tiếp cận với tất cả, qua đó, người khuyết tật được tạo điều kiện để tham gia vào cuộc sống. Cần có giải pháp làm sao cho người khuyết tật tự đi mua sắm, tự đi làm, trẻ khuyết tật tự đi đến trường. Lúc đó, sẽ không mất nhiều chi phí cho sự chăm sóc, không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế.

Thái Yến