Bao giờ hết cảnh đìu hiu?

Đinh Loan 04/04/2009 00:00

Đất nước ta tự hào có một bề dày về văn hóa và vốn di sản văn hóa. Song dường như sự phong phú của hiện vật, chiều sâu của lịch sử không đồng nghĩa với việc hút khách đến tham quan bảo tàng. Các nhà chuyên môn cho rằng, nguyên nhân chính của “cảnh đìu hiu” này là do bảo tàng vẫn vận hành theo lối cũ...

Bao giờ hết cảnh đìu hiu? ảnh 1

Đơn thuần chỉ là trưng bày

Trong một cuộc trao đổi với nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Nguyễn Văn Huy, ông trăn trở: Tôi thật sự tiếc vì hoạt động bảo tàng của chúng ta hiện nay chưa biết gắn kết với những nét văn hóa truyền thống, ví dụ như với văn hóa phi vật thể.

Văn hoá phi vật thể thường được “vật chất hoá” và ẩn chứa trong các hiện vật cụ thể. Vì vậy, nhiệm vụ của bảo tàng không phải là trưng bày cái “phần xác” của hiện vật. Thị hiếu của họ không phải đơn thuần là nhìn, mà ẩn chứa sau cái nhìn ấy là gì? Họ sẽ hiểu biết thêm gì về văn hoá và con người Việt Nam khi họ về nước? Đấy mới là cái đích mà họ muốn đến các bảo tàng. Vậy thì, các hiện vật cụ thể ở bảo tàng phải mang trong nó những “giá trị truyền thống” nhất định! Khi hiểu được sâu xa ý nghĩa, giá trị văn hóa ẩn chứa trong từng hiện vật thì mới có thể lôi cuốn du khách. “Chúng ta phải biết kết hợp bảo tàng với những giá trị văn hóa phi vật thể thì bảo tàng mới trở nên sống động, thu hút được khách đến thăm” - Ông Huy nói.

Thực tế, hoạt động bảo tàng Việt Nam vẫn theo lối cũ, theo kiểu thống kê đơn thuần số liệu của hiện vật như về mặt niên đại, sự kiện v.v... Điều này không sai, bởi điều đó chứng minh sự chính thống của hiện vật. Tuy nhiên sẽ trở thành một nguyên tắc có phần “cứng” và thiếu “linh hoạt” khi đằng sau mỗi hiện vật là những là câu chuyện đầy ý nghĩa mang đậm giá trị  nhân văn. Hiện vật đó chỉ trở nên sống động khi những câu chuyện đó được khơi dậy trong tâm trí người tham quan. Nếu những vị khách du lịch nước ngoài bay nửa vòng trái đất đến Việt Nam chỉ để nhìn chiếc trống đồng Đông Sơn chắc chắn chỉ sau 1 phút họ sẽ xem xong và không còn gì để tìm hiểu. Thế nhưng nếu bên cạnh đó họ được xem những đoạn băng phục dựng lại cảnh đánh trống hoặc giới thiệu kỹ hơn về nền văn hóa Đông Sơn... thì chắc chắn họ sẽ thích thú. Và, nếu nói trống đồng là một biểu tượng của quyền uy thì quyền uy ấy được diễn tả như thế nào?...

Thiếu hiện vật và thiếu sức hấp dẫn

Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Có tới 90% số bảo tàng hiện nay thuộc loại hình lịch sử xã hội; hệ thống bảo tàng lịch sử tự nhiên, lịch sử khoa học kỹ thuật và nghệ thuật chưa được chú trọng mở rộng. Và theo ý kiến của nhiều chuyên gia: Việt Nam ít các loại bảo tàng chuyên đề, chuyên ngành, mang nặng tính trình diễn lịch sử địa phương nên sẽ bị trùng lặp. Điều này sẽ gây nên sự nhàm chán, đơn điệu cho khách tham quan. Đó là chưa kể đến nhiều bảo tàng còn nghèo nàn về hiện vật, nhiều hiện vật chủ yếu được hiến tặng từ trước, khó bổ sung do thiếu kinh phí và cơ chế linh hoạt để mua...

Thực tế trong tổng số hơn 126 bảo tàng trên cả nước, số bảo tàng thu hút được khách tham quan chỉ đếm trên đầu ngón tay gồm: Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng và Bảo tàng Sinh vật Biển Nha Trang; một vài bảo tàng tư nhân như: Bảo tàng Không gian văn hóa Mường… Nguyên do là các hiện vật được trưng bày ở các bảo tàng này khá đa dạng và phong phú, cách thức thể hiện sinh động. Chẳng hạn như Bảo tàng Sinh vật biển Nha Trang hiện còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập sinh vật biển, được xem là lớn và đầy đủ nhất Đông Nam Á hiện nay. Hoặc như Bảo tàng Không gian văn hoá Mường - Với quan điểm trong một thời gian ngắn, khách tham quan có thể hiểu về văn hoá của dân tộc Mường, thể hiện bằng cách: Mọi người không chỉ nhìn, ngắm, xem mà còn được thật sự hoà mình vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Mường (được mời từ các vùng Mường ra sinh sống) như: làm nương dẫy, xay giã gạo, dệt vải quay sợi, thưởng thức các món ăn dân tộc, hoà mình vào không khí âm nhạc lễ hội, chơi các trò chơi dân gian Mường… Bảo tàng lấy “Không gian Văn hoá Mường” làm trung tâm, nên cách trang trí bầy đặt đơn giản, gần gũi, không cầu kì, nhưng tất cả những chi tiết dù nhỏ nhất như: hàng rào, đường đi, sắp đặt đồ đạc, bàn thờ thổ công… cũng đều nhằm phản ánh, tái hiện những nét văn hoá đặc trưng cơ bản của dân tộc Mường: kinh tế, đời sống xã hội, phong tục tập quán- một xã hội Mường thu nhỏ.

Bên cạnh đó, một thực tế hiện nay, không chỉ nghèo về hiện vật, cách trưng bày đơn điệu…, nhiều bảo tàng còn thiếu hoạt động giới thiệu cho khách tham quan các thông tin về hiện vật trưng bày. Điều này làm cho sự hấp dẫn, khả năng thuyết phục và giúp khách tham quan nắm vững thông tin, nét đẹp, giá trị của hiện vật...

Giải quyết vấn đề này hơn bao giờ hết cần phải hiện đại hóa hệ thống bảo tàng. Bảo tàng phải thể hiện tính nghiên cứu, sưu tầm hiện vật và cần đa dạng cách thức trưng bày. Cán bộ hướng dẫn phải thuyết minh cụ thể với du khách, qua đó sẽ khắc họa cái hay, nét đẹp của hiện vật trưng bày. Bên cạnh đó, cần giải quyết một số vấn đề bức thiết như mua bảo hiểm cho cổ vật quý hiếm để tránh hiện tượng nhiều bảo tàng đóng cửa bởi sợ mất hiện vật. Bảo tàng phải thật sự thu hút được mọi người dân đến tham quan, chứ không chỉ vài du khách nước ngoài như hiện nay.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bao giờ hết cảnh đìu hiu?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO