Bao giờ có “sandbox”?

- Thứ Ba, 15/12/2020, 08:28 - Chia sẻ
Tại hội thảo mới đây về “Chuyển đổi số và Quản trị dữ liệu trong lĩnh vực y tế”, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông đề xuất Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế “sandbox” để khai thác hiệu quả dữ liệu y tế của người bệnh đang được giao cho các bệnh viện quản lý.

Dù không phải lần đầu tiên được đề cập song khái niệm sandbox còn khá lạ lẫm với Việt Nam. Với các quốc gia khác, sandbox đã trở nên rất quen thuộc, kể từ khi nền kinh tế 4.0 xuất hiện và tạo ra những ý tưởng kinh doanh hoặc mô hình kinh doanh mới, như tiền kỹ thuật số, nền kinh tế chia sẻ (Grab, Airnb), cho vay ngang hàng... Sandbox nghĩa đen là “ô cát” - nơi để trẻ em vui đùa mà không sợ chấn thương hoặc làm phiền người lớn. Từ ý nghĩa ban đầu, sandbox lan sang các lĩnh vực khác, trong đó có chính sách. Theo đó, sandbox là cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm các chính sách, ý tưởng hoặc mô hình kinh doanh mới trong phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý để đánh giá, kiểm nghiệm và điều chỉnh trước khi trở thành một chính sách chung.

Lần đầu tiên sandbox được nhắc đến trong hoạt động hoạch định chính sách ở nước ta là tại Quyết định 999/QĐ-TTg ngày 12.8.2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Đầu năm ngoái, trên cơ sở nhận định về sự xuất hiện và xu hướng phát triển của Fintech (công nghệ tài chính) ở Việt Nam, sandbox đã được đề cập như một lựa chọn hữu ích để Ngân hàng Nhà nước ứng xử với các biến chuyển trên thị trường tài chính - ngân hàng.

Dù vậy, sandbox đến nay ở nước vẫn còn đang được... bàn tiếp. Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng sau khi trải qua một thời gian khá dài xây dựng, góp ý cho đến nay vẫn chưa được ban hành. Trong khi đó, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, chỉ trong vòng ba năm 2016 đến 2019, số lượng tổ chức Fintech đã tăng từ 40 lên hơn 150. Đặc biệt, cũng trong năm 2019, Việt Nam xếp thứ hai khu vực Đông Nam Á trong việc thu hút vốn đầu tư vào Fintech (sau Singapore) với số vốn đầu tư lên đến 400 triệu USD và chiếm 36% tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực này so với cả khu vực.

Tương tự, tính toán của các chuyên gia tại hội thảo “Chuyển đổi số và Quản trị dữ liệu trong lĩnh vực y tế” cho thấy, nếu Chính phủ sớm ban hành cơ chế thử nghiệm pháp lý giúp doanh nghiệp khai thác ‘‘mỏ dữ liệu y tế số’’ thì Việt Nam rất có thể sẽ tận dụng được cơ hội trong chuyển đổi số cho một thị trường có quy mô xấp xỉ 23 tỷ USD và dân số đang già hóa. Dù vậy, từ sandbox cho Fintech mà suy ra, thật khó đoán biết khi nào mới có được cơ chế thử nghiệm để khai thác dữ liệu y tế.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, mà để xử lý đòi hỏi phải có những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống. Vì lẽ đó, tư duy làm chính sách, pháp luật trong nền kinh tế số là rất quan trọng. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một hội nghị bàn về việc xây dựng chính sách, pháp luật trong Cách mạng Công nghiệp 4.0, sự chậm trễ trong việc xây dựng môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đôi khi là rào cản, làm nhụt nhuệ khí đổi mới sáng tạo, làm nản tâm huyết cống hiến trí tuệ của lực lượng doanh nghiệp công nghệ, khiến chúng ta không thể đột phá mà còn tụt lại phía sau.

Cẩm Phô