Bánh trung thu không nguồn gốc, xuất xứ:

Bao giờ có hồi kết

- Chủ Nhật, 19/09/2021, 06:47 - Chia sẻ
Đáp ứng nhu cầu vui Tết Trung thu của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian gần đây không ít đầu nậu đã công khai quảng cáo sản phẩm bánh cũng như nguyên liệu làm bánh trung thu bắt mắt, hấp dẫn trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... Dẫu vậy, theo các chuyên gia cũng như cơ quan chức năng cảnh báo, người tiêu dùng nên lựa chọn kỹ khi mua các nguyên liệu làm bánh trung thu trên mạng vì phần lớn các vụ bắt giữ gần đây cho thấy, hầu hết đều không có giấy tờ và hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ về mất vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao.

Mua bánh trung thu lậu qua Facebook, Zalo...

Từ ngày 8.9.2021, Cục Quản lý thị trường Hà Nội triển khai kế hoạch đến các đội quản lý thị trường địa bàn quận, huyện, thị xã về việc đẩy mạnh công tác nắm tình hình thị trường cũng như các hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, liên quan đến mặt hàng bánh trung thu. Yêu cầu đặt ra là chủ động kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các mặt hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; các hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 để trục lợi, thu lời bất chính…

Hà Nội vừa trải qua đợt giãn cách thứ 4 do dịch bệnh Covid-19, nhiều cửa hàng bánh trung thu truyền thống vắng hiu hắt, các gian hàng bên đường của các hãng, cửa hàng bánh nổi tiếng cũng không còn. Lợi dụng điều này, nhiều đầu nậu đã tìm mọi cách để nhập bánh trung thu và nguyên liệu làm bánh không nguồn gốc xuất xứ hoặc làm nhái sản phẩm để giao cho các đại lý trong nội thành và một số tỉnh lân cận phía Bắc, thậm chí rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử.

Theo Thượng tá Vũ Thị Hoàng Yến, Đội trưởng Đội 4 (Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP. Hà Nội) cho biết: Chỉ trong một thời gian ngắn (tính từ đầu tháng 7.2021 đến nay), đơn vị đã chủ động, trực tiếp trinh sát, phát hiện và phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra phát hiện bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển, tập kết bánh kẹo, bánh trung thu với số lượng hàng vạn chiếc có nguồn gốc từ nước ngoài được các đối tượng nhập lậu vào Việt Nam để bán cho người tiêu dùng.

Một trong những vụ việc bắt giữ lượng lớn bánh trung thu không có hóa đơn, chứng từ phải kể đến vụ việc ngày 10.9, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp Đội 4 - Phòng cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) qua tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 1, ngõ 72, đường La Phù, Hoài Đức (Hà Nội), do ông Nguyễn Quang Thạch là chủ. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định tại đây đang “tập kết” 11.130 chiếc bánh trung thu, do nước ngoài sản xuất.

Vụ việc tương tự, ngày 16.9, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội qua công tác nắm tình hình địa bàn, đơn vị đã phát hiện đối tượng Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1992, ở xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) đang thuê nhà tại đường Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) có nhiều biểu hiện nghi vấn về buôn lậu hàng giả. Tối 13.9.2021, Công an quận Bắc Từ Liêm đã bắt quả tang Nguyễn Văn Nam khi đang bốc xếp nhiều thùng carton có chữ nước ngoài đưa đi tiêu thụ. Kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 43 thùng bánh với tổng số khoảng 5.000 chiếc các loại, trong đó có 28 thùng bánh trung thu; 15 thùng bánh thập cẩm. Do hàng hóa mua trôi nổi nên khi kiểm tra, đối tượng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, cũng như giấy tờ kiểm định chất lượng hàng hóa.

Hàng ngàn thùng bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ

Sản phẩm hand made là bảo đảm?

Theo cảnh báo của các chuyên gia Viện Dinh dưỡng quốc gia, những tác hại đến sức khỏe khi ăn phải những loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ có sử dụng chất tạo màu, tạo mùi, đặc biệt là loại bánh màu sắc sặc sỡ là rất cao, vì loại bánh này thường sử dụng rất nhiều loại màu khác nhau. Mức độ độc hại của hóa chất tạo màu, tạo mùi công nghiệp là rất lớn. Khi bị nhiễm vào cơ thể, nó có thể gây tổn hại đến tất cả các cơ quan thần kinh, nội tạng… Không chỉ có vậy, việc ăn bánh trung thu có tồn dư hóa chất công nghiệp, nhân bánh không bảo đảm còn có thể gây ngộ độc cấp tính.

Thượng tá Vũ Thị Hoàng Yến, Đội trưởng Đội 4 (Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP. Hà Nội) cũng chia sẻ: Hiện nay nhiều người tiêu dùng thay vì lựa chọn bánh trung thu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng từ các hãng, công ty bánh kẹo có uy tín như Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị, Thu Hương... thì không ít người lại có xu hướng lựa chọn mua các sản phẩm hand made, họ cho rằng các sản phẩm tự tay làm sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên, từ các chuyên án cũng như số vụ việc về bánh trung thu, các nguyên liệu làm bánh, kẹo trung thu trong thời gian qua cho thấy, hầu hết vụ việc, nguồn hàng được phát hiện đều không có giấy tờ hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khi các sản phẩm bánh, nguyên liệu làm bánh trôi nổi thì chất lượng cũng như điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cũng không biết thế nào, nếu như không muốn nói rất có thể hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được “tuồn ra”.

Do vậy, bên cạnh công tác tăng cường kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng, cách tốt nhất để bảo vệ chính mình là người dân hãy là người tiêu dùng thông thái. Khi lựa chọn, sử dụng bánh trung thu, nguyên liệu làm bánh phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, nên chọn sản phẩm của các hãng bánh có uy tín để bảo đảm an toàn thực phẩm, không nên dùng các nguyên liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ để tránh mang họa vào thân.

Bài và ảnh: B. Hân- M.Hiền