Báo động tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 06:47 - Chia sẻ
Mặc dù không được Nhà nước cấp phép nhưng các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá hun nóng vẫn ngang nhiên bầy bán tại các trang mạng xã hội và các cửa hàng. Nguy hại hơn, việc sử dụng những loại sản phẩm này đang trở nên phổ biến ở trường học và ngày càng khó kiểm soát.
Theo điều tra sức khỏe học đường của Trường Đại học Y tế công cộng năm 2019, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13 - 17 tại Việt Nam sử dụng thuốc lá điện tử

Hậu quả khôn lường

Mới đây, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã điều trị cho một số bệnh nhân đang là học sinh đến từ tỉnh Yên Bái. Theo thông tin từ gia đình, sau khi sử dụng một loại "thuốc lá" rất mới, các học sinh xuất hiện biểu hiện tinh thần bất thường, sau đó mệt lả rồi ngủ thiếp đi. Qua kiểm tra, loại thuốc lá lạ này chứa ma túy. Điều đáng chú ý đây là loại ma túy mới, khó nhận biết và phải qua nhiều xét nghiệm, kiểm tra mới phát hiện được. 

Cũng trong năm 2021, Trung tâm chống độc đã ghi nhận nhiều trường hợp sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử có chứa ma túy. Ngay trong tháng 3 vừa qua, Trung tâm chống độc đã tiếp nhận một nam thanh niên 23 tuổi có biểu hiện hoang tưởng, kích động dữ dội sau khi dùng thuốc lá điện tử. Sau khi xét nghiệm tinh chất trong thuốc lá điện tử mà thanh niên này sử dụng, phát hiện có cần sa.

Giống như vậy, mới đây, Bệnh viện 199, Bộ Công an cũng tiếp nhận điều trị cho một nam sinh tuổi 16, có địa chỉ tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, có biểu hiện lơ mơ, tê toàn thân sau khi sử dụng thuốc lá. Qua chẩn đoán sơ bộ, bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất kích thích bị ngộ độc.

Bác sĩ Đỗ Văn Tá, Khoa Khám bệnh Cấp cứu, Bệnh viện 199, Bộ Công an cho biết, không loại trừ khả năng em nam sinh kể trên đã được bạn bè rủ rê sử dụng thuốc lá điện tử và bị hôn mê sau đó. Hơi thuốc từ thuốc lá điện tử hít từ thiết bị và phả ra có thể chứa các chất gây hại và có nguy cơ gây hại, bao gồm nicotine, các hạt siêu mịn khi hít sâu vào phổi, có thể gây các bệnh lý phổi nghiêm trọng, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi. Chưa hết, trong thuốc lá điện tử chứa nhiều hoá chất gây ung thư như niken, thiếc và chì.

“Rất khó để người tiêu dùng biết được họ đang hít vào thứ gì. Đã có trường hợp một số nhãn hiệu thuốc lá điện tử được quảng cáo là không chứa nicotine lại bị phát hiện có chứa chất gây nghiện này. Thêm vào đó, phơi nhiễm nicotine cấp tính có tác hại rất lớn, đã có trường hợp trẻ em và người lớn bị ngộ độc khi nuốt, hít hay bị văng dịch lỏng trong thuốc lá điện tử vào mắt hoặc dính trên da” - đại diện Bệnh viện 199 nhận định.

Năm 2019, Điều tra Quốc gia sức khỏe học đường do Bộ Y tế thực hiện ghi nhận, 2,6% học sinh trong lứa tuổi 13 - 17 đang sử dụng thuốc lá điện tử. Cuộc điều tra tương tự năm 2005, tỷ lệ này là 0,2%. Còn theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, năm 2020, có 8,35% học sinh lớp 8 - 12 hút thuốc lá điện tử, tăng 40 lần so với năm 2005.

Siết chặt quản lý thuốc lá thế hệ mới

Thực tế, Việt Nam hiện trên các diễn đàn mạng xã hội, một số cửa hàng vẫn bày bán công khai các loại thuốc lá điện tử. Nguy hại hơn, thuốc lá điện tử ngày càng xâm nhập sâu vào trường học, được học sinh chia sẻ như một trào lưu. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cho biết, thời gian qua các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tiếp cận với cộng đồng. Song, các công ty sản xuất thuốc lá vẫn tìm mọi cách để tiếp thị, quảng cáo sản phẩm.

Tiếp nối quan điểm đó, Giám đốc quốc gia Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá Đoàn Thu Huyền cũng nhấn mạnh, thời gian qua, đã có nhiều thông tin sai lệch về các sản phẩm thuốc lá mới. Thậm chí, có thông tin sử dụng nicotine giúp chống lại Covid-19 hay hút thuốc lá điện tử giúp phòng, chống một số bệnh hô hấp. Đây là những thông tin sai lệch.

Cũng theo bà Huyền, thuốc lá điện tử thường được người dùng bỏ thêm vào các chất tạo vị giác - những chất này hiện trôi nổi trên thị trường, không ai kiểm soát. Bên cạnh việc kiểm soát thị trường của cơ quan chức năng thì mỗi gia đình, mỗi trường học phải nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử. Cùng với đó, Việt Nam không nên cấp phép nhập khẩu và lưu hành thuốc lá điện tử bởi dễ gây nhiều tốn kém về sức khỏe, tiền bạc.

Dương lê