Năm 2030, Việt Nam có 1,9 triệu trẻ em béo phì
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam; Trường Đại học Y tế Công cộng vừa công bố Báo cáo Phòng chống thừa cân và béo phì ở trẻ em. Theo đó, tỷ lệ thừa cân và béo phì đang gia tăng nhanh chóng ở trẻ em Việt Nam: tỷ lệ thừa cân và béo phì có xu hướng gia tăng theo độ tuổi, từ 7% ở trẻ dưới 5 tuổi đến 19% ở trẻ 5 - 19 tuổi; phần lớn trẻ thừa cân và béo phì là trẻ em trai và sống ở khu vực thành thị.
Các chuyên gia từ UNICEF cảnh báo, nếu không có bất kỳ hành động can thiệp nào, ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 1,9 triệu trẻ em béo phì.
Thực tế đã cho thấy, thừa cân ở trẻ em gây ra một gánh nặng lớn về chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai, cũng như thiệt hại về kinh tế. Đáng nói, trẻ thừa cân tăng nguy cơ bị các tác động tâm lý như kỳ thị, tự ti, trầm cảm và lo lắng; đồng thời tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm và nguy cơ tử vong sớm.
Đáng lưu tâm, có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân hoặc đánh giá thấp hơn mức bình thường. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu mới đây đã xác định béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng có thể phải nhập viện, phải chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh. Bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài khiến trẻ ăn uống tự do, đầy đủ hơn, có ít cơ hội tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời, dẫn đến nguy cơ thừa cân, béo phì.
TS.BS. Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hậu quả của thừa cân, béo phì thường khó nhận biết ngay, nhưng không thể xem nhẹ. Khi trẻ béo phì chẳng may mắc những bệnh lý như tiêu chảy, viêm phổi,... bệnh thường có xu hướng tiến triển nặng hơn, thời gian điều trị kéo dài.
Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040 nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam gồm 6 mục tiêu cụ thể với 29 chỉ tiêu. Trong đó, một trong số các mục tiêu quan trọng là khống chế tình trạng thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng, dự phòng các bệnh mạn tính không lây và kiểm soát các yếu tố nguy cơ có liên quan ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành.
Phụ huynh cần áp dụng các thực hành tốt
Báo cáo phòng chống thừa cân và béo phì ở trẻ em đã đánh giá, hiện Việt Nam đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến dinh dưỡng. Tuy nhiên các chính sách cụ thể để điều chỉnh môi trường tăng nguy cơ béo phì còn hạn chế, quá trình tổ chức thi hành thiếu sự giám sát. Hiện không có bất kỳ chính sách cụ thể nào về phòng, chống thừa cân và béo phì ở trẻ em, trong khi đó thiếu những biện pháp kỹ thuật liên quan đến kiểm soát đồ uống có đường, có cồn (thông qua chính sách thuế)...
Thực tế, Nghị định số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo, đã có quy định về việc cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi và thức ăn bổ sung cho trẻ dưới 6 tháng. Tuy nhiên, giám sát và thực thi vẫn là một thách thức, chưa có biện pháp kiểm soát bắt buộc nào được áp dụng. Hay, Chỉ thị 46/CT-TTg về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện triển khai việc không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học, vậy nhưng hiệu quả thực thi rất hạn chế do thiếu cơ chế giám sát.
Từ thực tế này, nhiều đề xuất đã được nhóm chuyên gia đưa ra nhằm hoàn thiện pháp luật như áp dụng thuế dành cho đồ uống có đường; bổ sung quy định cụ thể về việc tiếp thị thực phẩm nhiều chất béo, đường, muối cho trẻ em; ghi nhãn dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm… đến xây dựng các tài liệu cung cấp kiến thức và hướng dẫn thực hiện về quản lý dinh dưỡng.
Có thể thấy, đây đều là những đề xuất có tính chất dài hơi, và trong khi chờ đợi sự điều chỉnh nêu trên thì trước hết phụ huynh cần áp dụng các thực hành tốt để tránh thừa cân, béo phì ở trẻ em như cho trẻ ăn đúng và đủ nhu cầu dinh dưỡng; bổ sung đủ hoa quả, rau xanh; đồng thời tăng cường vận động cho trẻ ít nhất 1 giờ/ngày, hạn chế ngồi lâu một chỗ; cho trẻ ngủ đủ giấc, ngủ sớm trước 22 giờ để tăng cường phát triển chiều cao…