Báo động ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp ở Đồng Nai

29/03/2008 00:00

Đồng Nai đang là tỉnh dẫn đầu về phát triển các khu công nghiệp và thu hút vốn đầu tư. Nhưng, những tác động ngược, ảnh hưởng tới môi trường lại trở thành vấn nạn.

      Hầu hết các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai được cơ quan chức năng đánh giá là đa ngành: Từ sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí, chế tạo máy, lắp ráp ôtô… đến may mặc, vải, sợi, sản xuất hàng tiêu dùng… rồi chế biến thực phẩm, hóa mỹ phẩm, nhựa, hóa chất, phân bón, vật liệu xây dựng, sản xuất giấy, chế biến gỗ… Hàng ngày, với hàng trăm nhà máy như vậy, dù ít dù nhiều, môi trường sống cũng phải gánh chịu một lượng bụi, khí thải… gây suy thoái và ô nhiễm.

      * Trong 10 năm trở lại đây, GDP của tỉnh Đồng Nai tăng bình quân 12,8%, gấp 1,7 lần mức tăng chung của cả nước, trong đó khu vực công nghiệp xây dựng tăng 16%. GDP đầu người đạt gần 1.000 USD.

      * Quy hoạch đến năm 2010, tỉnh Đồng Nai có 34 KCN với tổng diện tích trên 10.000ha. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 KCN với diện tích gần 7.000ha, thu hút 927 dự án đầu tư. Đã có 19 KCN và gần 700 dự án đi vào hoạt động, thu hút khoảng 350.000 lao động.

   

   Từ nước thải…
      Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, lưu lượng nước xả chất thải trung bình tại các KCN ước tính trên 60.000m3/ngày. Trong số 19 KCN đã đi vào hoạt động, hiện chỉ có 3 KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung với khoảng 10.000m3/ngày, 4 hệ thống đang vận hành thử và 2 hệ thống trong quá trình xây dựng. Các KCN còn lại đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, bắt buộc doanh nghiệp phải tự xử lý trước khi thải ra môi trường. 

      Theo kết quả kiểm tra chất lượng nước thải tại các KCN của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hầu hết nước thải ở đây đều bị ô nhiễm, độc tố vượt tiêu chuẩn cho phép. Điều đáng báo động, ngay tại các KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung, chất lượng nước thải sau xử lý cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Ở các KCN khác, phần lớn doanh nghiệp đều xử lý nước thải không đạt tiêu chuẩn quy định. 

      Vấn đề ô nhiễm nước thải công nghiệp đang trở nên bức xúc. Nước ô nhiễm cứ chảy đều ra hệ thống sông Đồng Nai, phải chăng đã và đang làm ảnh hưởng rộng đến môi trường khu vực?

     

 … đến chất thải rắn công nghiệp
      Bình quân một năm, các KCN ở Đồng Nai “cung cấp” cho môi trường khoảng 250.000 tấn chất thải rắn công nghiệp. Đặc biệt, trong đó có hơn 30.000 tấn chất thải rắn công nghiệp độc hại. Tỉnh đang lúng túng trong việc xử lý khối lượng khá lớn chất thải rắn công nghiệp này. Hiện nay, Công ty Môi trường đô thị Biên Hòa chỉ có thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại tại bãi rác Trảng Dài; Với chất thải rắn độc hại, vẫn chưa tìm ra giải pháp xử lý triệt để, chủ yếu dùng phương pháp chôn lấp. 

      Tính đến đầu năm 2008, có hơn 500 hồ sơ đăng ký chất thải nguy hại, trong đó gần 300 doanh nghiệp được cơ quan chức năng cấp sổ đăng ký. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa có ý thức thu gom, xử lý nước thải công nghiệp, khí thải đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Ví dụ, qua kiểm tra, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 15 cơ sở sản xuất hóa chất gây ô nhiễm môi trường và vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Hầu hết các cơ sở trên chưa xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải công nghiệp hoặc đầu tư mang tính đối phó. 

      Đồng Nai đang thành công trong việc phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ theo hướng Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp. Tỉnh hiện có trên 6.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… thu hút nhiều dự án đầu tư nước ngoài. Mặt trái của sự phát triển công nghiệp là làm sao giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường? Có lẽ đây cũng là bài học kinh nghiệm cho những địa phương khác trong việc thu hút đầu tư: Chiến lược phát triển kinh tế gắn với bảo vệ bền vững môi trường.

Quang Vũ

    Nổi bật
        Mới nhất
        Báo động ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp ở Đồng Nai
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO