Báo động “đỏ” tình trạng ô nhiễm môi trường tại Thái Nguyên

11/04/2007 00:00

Trong những năm gần đây, Thái Nguyên tập trung phát triển công nghiệp, chủ yếu là các ngành công nghiệp nặng như: công nghiệp khoáng sản, công nghiệp luyện kim, công nghiệp cơ khí, chế tạo… Cùng với tốc độ phát triển kinh tế đã kéo theo những vấn đề liên quan trực tiếp đến môi trường, và Thái Nguyên cũng không nằm ngoài quy luật đó.

      Các chỉ số vượt quá mức cho phép
      Thái Nguyên hiện có  3- 4 tỷ m3 nước mặt/năm và 1,5 – 2 tỷ m3 nước ngầm. Thế nhưng theo những cảnh báo gần đây, nguồn nước mặt đang bị ô nhiễm nặng, đặc biệt là nguồn nước ở sông Cầu. Hàng năm, con sông này đã phải tiếp nhận khoảng 35 triệu m3 nước thải chưa qua xử lý của hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khai thác và chế biến khoáng sản, các bệnh viện và các KCN trên địa bàn. Đó còn chưa kể đến lượng nước thải sinh hoạt của các khu dân cư thải trực tiếp xuống sông. Kết quả quan trắc năm 2005 cho thấy hàm lượng BOD5 trong nước tại cầu Gia Bảy, đập Thác Huống, Cầu Mây vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,08 – 9,5 COD vượt từ 1,2 – 5,8 lần; NH4 vượt từ 1,34- 20 lần... Tại một số địa điểm ở sông Công và hồ Núi Cốc đã có dấu hiệu ô nhiễm các chất hữu cơ, vô cơ, kim loại nặng, dầu mỡ và hóa chất bảo vệ thực vật…Tuy nhiên, nguồn nước ngầm có biểu hiện ô nhiễm cục bộ, mang đặc trưng từng vùng khác nhau. Một số khu vực khai thác khoáng sản tại xã Hà Thượng, Tân Linh, huyện Đại Từ, hàm lượng asen đạt từ 0,068 – 0,109mg/l vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,7 – 8,2 lần. Phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên và thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, hàm lượng xyanua vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,9 – 12,9 lần. Nhiều khu vực nước ngầm có nồng độ PH thấp dưới mức tiêu chuẩn cho phép và có biểu hiện ô nhiễm Fe, Mn...
      Không chỉ có lượng nước ngầm bị ô nhiễm. Ngoài ra các chất thải rắn, khí bụi của các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng góp phần làm gia tăng tốc độ ô nhiễm môi trường nơi đây. Đơn cử chỉ riêng 20 doanh nghiệp khai thác chế biến khoáng sản đã thải vào khoảng 450 triệu m3 khí thải; 16 doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thải trên 200 triệu m3 khí thải, 160.000 m3 nước thải, trên 150.000 tấn chất thải rắn... Điều nguy hiểm hơn cả là trong số cơ sở sản xuất công nghiệp, các KCN có tới khoảng 90% cơ sở chưa có trạm xử lý nước thải và hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Hiện tỉnh Thái Nguyên chỉ có KCN Sông Công có thiết kế quy hoạch chi tiết. Các hệ thống thoát nước bề mặt, hệ thống thu gom và xử lý nước thải riêng, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, khu chôn lấp chất thải rắn công nghiệp của 18 doanh nghiệp trên địa bàn đều chưa được hoàn thiện và sử dụng... Ngoài ra các hoạt động khai thác, vận chuyển chế biến khoáng sản tràn lan, của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, KCN... cũng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước, đất, không khí, làm biến dạng cảnh quan môi trường…; Đồng thời, hủy hoại thảm thực vật, làm suy giảm diện tích rừng và đa dạng sinh học. Đặc biệt ở một số nơi do cạn kiệt nước ngầm đã kéo theo hiện tượng sụt, lún đất canh tác.
      Rác thải đi về đâu?
      Tỉnh Thái Nguyên là tỉnh duy nhất trong cả nước có hệ thống thoát nước bằng bê tông kín ở một số trục phố chính với chiều dài khoảng 50km. Tuy nhiên, do việc cho phép các phương tiện giao thông, đặc biệt là các loại xe hạng nặng lưu thông trên các trục đường này dẫn đến tình trạng một số con đường xuống cấp nghiêm trọng. Kết quả quan trắc môi trường năm 2005 cho thấy tại một số trục giao thông chính của thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công đang có dấu hiệu bị ô nhiễm, đặc biệt nồng độ bụi vượt chỉ tiêu cho phép 2- 3 lần. Mặc dù, thị xã Sông Công hình thành và phát triển trên 20 năm nhưng đến nay toàn thị xã vẫn chưa có hệ thống cống, rãnh thoát nước. Một số cơ sở sản xuất lại nằm lẫn trong khu dân cư cho nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Và đây cũng là địa bàn “nóng” về các vấn đề liên quan đến môi trường. Hơn nữa, lâu nay việc quản lý và xử lý rác thải chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Cả tỉnh chỉ có 1 bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh tại bãi rác Đá Mài, mỗi ngày tiếp nhận gần 100 tấn rác thải của thành phố. Trong khi đó theo số liệu thống kê thì trung bình mỗi ngày tại các đô thị  thải 330 tấn rác thải sinh hoạt. Vậy số rác thải còn lại sẽ đi về đâu? Và cũng không ngạc nhiên khi 19 bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện, thành, thị và các trạm y tế xã, phường, thị trấn chỉ có 4 bệnh viện thực hiện việc đốt rác thải y tế tại lò đốt đủ tiêu chuẩn. Số còn lại đều được tổ chức chôn lấp theo phương pháp thủ công, gây mất vệ sinh...
      Không chỉ dừng lại ở các khu đô thị, các KCN, môi trường ở vùng nông nghiệp và nông thôn cũng có dấu hiệu ô nhiễm. Theo số liệu của Sở NN & PTNT, Thái Nguyên sử dụng trên 75.000 tấn phân hóa học các loại... Trong khi đó người dân chưa có ý thức sử dụng theo đúng quy định hướng dẫn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Với cách làm tự do, tùy tiện, nhiều người sử dụng quá liều lượng các chất hóa học sai quy định, vứt bao bì bừa bãi... là tác nhân gây suy thoái đất và ô nhiễm nguồn nước ở một số địa phương. Cùng với việc chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, tổng đàn gia súc, gia cầm đang tăng nhanh, quy mô trang trại chăn nuôi phát triển song hầu hết các trang trại đều không có hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Tại nhiều lò giết mổ gia súc, gia cầm, chất thải được thải trực tiếp ra ngoài môi trường, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Theo số liệu điều tra gần đây của Viện Sinh thái Tài nguyên và Sinh vật, diễn biến tài nguyên sinh vật ở Thái Nguyên đang có dấu hiệu suy thoái. Một số loài thực vật quy hiếm như: đinh, lim, sến, táu, de, dổi, lát, chò chỉ... đặc biệt các loại cây hương liệu, cây thuốc sa nhân, ba kích, hà thủ ô... và một số loài thú như: khỉ, vọoc, vượn đen đang trong tình trạng báo động. Chim rừng và các loại bò sát cũng trong tình trạng tương tự... Thiết nghĩ, tỉnh Thái Nguyên cần sớm có những giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Bởi phát triển kinh tế chỉ có bền vững khi các yếu tố về môi trường được bảo đảm.

Hà Thư

    Nổi bật
        Mới nhất
        Báo động “đỏ” tình trạng ô nhiễm môi trường tại Thái Nguyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO