Bảo đảm vận hành an toàn lưới điện truyền tải
Với tầm quan trọng của hệ thống điện truyền tải, trong nhiều năm qua, công tác quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành đã được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quan tâm chỉ đạo sát sao; lưới điện truyền tải đã và đang vận hành an toàn, tin cậy, bảo đảm cung cấp điện ổn định, đáp ứng được nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.
Đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của phụ tải
Theo đại diện EVN, những năm qua, lưới điện truyền tải đã được đầu tư mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng cao của phụ tải, với tốc độ tăng trưởng về sản lượng truyền tải bình quân khoảng 8,3%. Đến tháng 6.2022, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã vận hành hơn 28.600km đường dây (trong đó, đường dây 500kV có chiều dài 10.053km, đường dây 220kV có chiều dài 18.560 km) và 176 trạm biến áp (34 trạm biến áp 500kV và 142 trạm biến áp 220kV).

Lưới điện truyền tải 500kV khu vực miền Bắc, miền Nam đã hình thành các mạch vòng liên kết và đã nâng cao độ an toàn, tin cậy truyền tải điện... Đối với trục truyền tải Bắc - Trung - Nam, kết nối lưới điện Trung - Nam đã có 4 mạch 500kV, kết nối lưới điện Bắc - Trung chủ yếu đang vận hành 2 mạch 500kV và đang triển khai các dự án tạo liên kết 4 mạch để tăng khả năng truyền tải và độ tin cậy của lưới điện. Cùng với đó, lưới điện 220kV các miền liên tục được phát triển và củng cố, giữ vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải công suất, điện năng, bảo đảm vận hành hiệu quả và ổn định hệ thống điện Việt Nam.
Nhờ đó, công tác vận hành lưới điện truyền tải năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt được những kết quả nhất định. Sản lượng điện truyền tải có sự phục hồi, trong đó, năm 2021 đạt 200,8 tỷ kWh, tăng 2% so với năm 2020; 6 tháng đầu năm 2022 sản lượng điện truyền tải đạt 104,7 tỷ kWh, tăng 2% so với cùng kỳ 2021; sự cố lưới điện truyền tải năm 2021 đã giảm rõ rệt so với năm 2020 (giảm 58 vụ so với năm 2020, tương ứng giảm 36,5%), 6 tháng đầu năm 2022 lưới điện truyền tải giảm 1 vụ sự cố so với cùng kỳ; đã tiến hành chuyển thao tác xa 110/142 TBA 220kV sang chế độ thao tác xa, đạt 77,5%.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, công tác vận hành lưới điện truyền tải năm 2022 và các năm tiếp theo còn có nhiều khó khăn, thách thức về phương thức vận hành không thuận lợi trong điều kiện năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và phương thức vận hành nguồn điện; dòng ngắn mạch tăng cao; còn hạn chế về chất lượng và tiến độ đầu tư xây dựng, chất lượng nguồn nhân lực và định biên cũng như công tác thí nghiệm, sửa chữa, bảo dưỡng và các nguy cơ sự cố lưới điện...
Ứng dụng công nghệ trong vận hành, đầu tư xây dựng
Để khắc phục những khó khăn, thách thức về phương thức vận hành, các chuyên gia điện lực cho rằng, cần nghiêm túc triển khai lập và thực hiện có hiệu quả phương án ngăn ngừa sự cố, giảm tổn thất điện năng; phân tích số liệu cụ thể để đánh giá hiệu quả các giải pháp giảm sự cố. Đặc biệt, triển khai các ứng dụng trong quản lý vận hành đường dây, trạm biến áp, chủ động nghiên cứu các giải pháp kiểm tra, giám sát để bảo đảm vận hành…
Thực tế, thời gian qua, ngành điện lực cũng đã xác định việc ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào các hoạt động vận hành, đầu tư xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, trong đó, đặc biệt là lĩnh vực quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp, với nhiều ứng dụng như phần mềm quản lý trạm biến áp, đường dây; phần mềm quản lý thí nghiệm; ứng dụng trạm biến áp số; ứng dụng UAV/Flycam, camera/camera AI, thiết bị giám sát dầu online, thiết bị lọc dầu online, trang bị định vị sự cố.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành đường dây, trạm biến áp, theo các chuyên gia, phải tăng cường hậu kiểm đối với chất lượng thiết bị, thực hiện đánh giá định kỳ và có kiến nghị đối với các thiết bị không bảo đảm vận hành. Tiếp tục đề xuất các lớp đào tạo chuyên sâu về thiết bị như máy biến áp/kháng điện, máy cắt, tụ bù dọc, biến dòng điện, biến điện áp, hệ thống điều khiển, rơ le bảo vệ…; chủ động, đẩy nhanh triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, áp dụng trong công tác thí nghiệm, sửa chữa nhằm nâng cao chất lượng và năng suất.
Bên cạnh đó, đánh giá toàn diện về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật và đề xuất các giải pháp khả thi, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động tổ chức đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân lực kỹ thuật; triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số; hoàn thiện các đề tài nghiên cứu để nâng cao chất lượng công tác quản lý vận hành, năng suất lao động. Chủ động, tích cực đẩy nhanh tiến độ xử lý tồn tại sau đóng điện các công trình sau đóng điện; tăng cường công tác quản lý dự án, không để xảy ra sự cố trong quá trình thi công dự án.