Kế hoạch tài chính quốc gia 2021 - 2025

Bảo đảm tối đa an toàn tài chính quốc gia

- Chủ Nhật, 18/07/2021, 05:30 - Chia sẻ
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân và khả năng hoàn thành mục tiêu kế hoạch 5 năm, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, kế hoạch tài chính quốc gia và kế hoạch vay - trả nợ công giai đoạn 2021 - 2025 cần bảo đảm tối đa an toàn tài chính quốc gia.

Đánh giá sâu hơn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19

Tại Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, các báo cáo về kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, vay trả nợ công, đầu tư công 5 năm đã cơ bản đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2016 - 2020. Qua các năm, hầu như tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2020, mặc dù tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,91% nhưng nước ta vẫn là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương ở khu vực châu Á và trên thế giới. Tuy nhiên, nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn. Nội tại của nền kinh tế chưa mạnh, tăng trưởng chưa bảo đảm bền vững; tác động của biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2020, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường rất lớn, vượt ngưỡng trên 100.000 doanh nghiệp. Lưu ý vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, cần phân tích sâu sắc, đánh giá đúng "sức khỏe" nền kinh tế, làm rõ những tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp, những vấn đề ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia, quy mô thu - chi ngân sách trong giai đoạn vừa qua để làm cơ sở cho định hướng kế hoạch tài chính 5 năm tới. 

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ làm tốt công tác dự báo tình hình, đưa ra kịch bản, phương án tăng trưởng không chỉ cho cả giai đoạn 5 năm mà còn cho từng năm để tính toán, cơ cấu lại thu ngân sách, khai thác nguồn thu, bồi dưỡng nguồn thu. “Không tận thu mà phải chăm sóc, khai thác nguồn thu đúng mức để dự phòng”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh. 
 

Nguồn: ITN

Không vay nếu không hiệu quả

Theo đề xuất của Chính phủ, tỷ lệ bội chi ngân sách giai đoạn 5 năm tới dự kiến bình quân 3,7% GDP; trần nợ công không quá 60%, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, ngưỡng an toàn tương ứng là 55% và 45% GDP. Nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45%, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách thống nhất với báo cáo của Chính phủ quy định mức bình quân không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm…

Về chỉ tiêu tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đề xuất khoảng 8,3 triệu tỷ đồng. Tổng chi giai đoạn 2021 - 2025 là 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 2,87 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 28%, trong tổ chức thực hiện phấn đấu đạt 29%, chi thường xuyên khoảng 6,4 triệu tỷ đồng, phấn đấu vào khoảng 60%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, xuất khẩu dầu thô giảm 50%, thuế suất nhập khẩu cũng giảm do chúng ta thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế. Cùng với đó, sản xuất kinh doanh rất khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến các khoản thu sụt giảm. Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Quốc hội giữ nguyên chỉ tiêu thu ngân sách giai đoạn tới tăng 1,2 lần so với giai đoạn 2016 - 2020.

Làm rõ thêm khía cạnh “vay hiệu quả”, ông Hồ Đức Phớc cho biết, vừa rồi Bộ Tài chính đã ra 3 văn bản không đồng tình với khoản vay ODA khi thấy vay không hiệu quả. Một số khoản vay ODA trên hồ sơ đã thấy không hiệu quả Bộ cũng đã đề nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư không vay nữa. “Chúng tôi phải chủ động làm việc với các tỉnh và các nhà tài trợ để vay những khoản vay nào có ưu đãi tốt nhất và những dự án nào có hiệu quả mới vay, còn không thì không vay. Quan điểm của Bộ là không vay nếu đánh giá lại thấy khoản vay không hiệu quả, vì đã không hiệu quả thì sẽ lại rơi vào trường hợp 12 dự án thua lỗ", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh. 

Nhật An