Chính trị

Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật

Trọng Hiếu 17/05/2025 17:31

Thảo luận tại tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hưng Yên, Ninh Bình, Gia Lai) chiều 17/5, các đại biểu kỳ vọng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật…

Tại Tổ thảo luận, các vị đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào 3 dự án Luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Chỉ nên thẩm định đối với nguồn vốn hỗn hợp

3w2a8938.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 12

Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, đại biểu Đinh Việt Dũng (Ninh Bình) mong muốn, hệ thống pháp luật được hoàn thiện nhanh nhất, tạo ra “đường băng” để kinh tế phát triển và giải quyết dứt điểm những tồn tại, chống lãng phí.

Từ thực tế của địa phương, đại biểu cho biết: hiện nay, việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn còn gặp khó khăn do sự chồng chéo giữa Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách. Khi thẩm định các dự án đầu tư công, các địa phương còn lúng túng trong việc phân bổ kinh phí, ngân sách trước hay phê duyệt dự án đầu tư trước. Để phân định rõ việc này rất khó như câu chuyện “con gà có trước hay quả trứng có trước”.

Đại biểu cho rằng, không cần thẩm định đối với nguồn vốn nếu dự án sử dụng vốn ngân sách bổ sung có mục tiêu của Trung ương hoặc địa phương mà chỉ cần thẩm định đối với nguồn vốn hỗn hợp. Đồng thời, đề xuất dự án đầu tư công không được vượt quá 2 kỳ kế hoạch trung hạn.

3w2a8965.jpg
ĐBQH Trần Văn Quảng (TP. Đà Nẵng) điều hành phiên thảo luận

Liên quan đến Luật Ngân sách (sửa đổi), đại biểu Định Việt Dũng nêu, trong Dự thảo Luật có quy định ngân sách hỗ trợ địa phương khác đầu tư xây dựng dự án, công trình trọng điểm, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế… Do đó, để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Luật, đề nghị làm rõ khái niệm về dự án, công trình liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế được quy định tại Điều 4.

Giao địa phương quản lý nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

3w2a8935.jpg
ĐBQH Đinh Việt Dũng (Ninh Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đối với nội dung phân chia nguồn thu của Ngân sách Trung ương tại Điều 35 Dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu nhất trí với phương án quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương của các khoản thu phân chia. Song đề nghị, để nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giao cho địa phương quản lý, thay vì chia tỷ lệ. Với lý do là tạo điều kiện về nguồn lực cho các địa phương để thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm từ công khai trong phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 dự thảo của Luật. Ngoài ra, đại biểu đề xuất giảm mức tối đa của quỹ dự trữ tài chính từ 25% xuống 15 - 20% dự toán chi hàng năm, vì mức 25% hiện nay là quá cao. Bởi thông thường để chi hết được nguồn từ quỹ dự trữ tài chính là rất khó khăn. Do đó, không nên để nguồn tiền dự trữ này nguồn tiền chết, sẽ gây lãng phí nguồn lực.

3w2a8958.jpg
ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật: Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các đại biểu thống nhất với đề xuất sửa đổi, bổ sung tại các Luật này. Trong đó, tập trung về chế độ ưu đãi đối với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định cụ thể để bảo đảm chặt chẽ; tăng cường cơ chế giám sát, hậu kiểm, cơ chế xử lý các rủi ro phát sinh để bảo đảm minh bạch, tránh lợi dụng chính sách; tiếp tục rà soát các quy định về phân cấp, phân quyền để sửa đổi, bổ sung phù hợp với các chủ trương mới của Đảng và thống nhất với pháp luật có liên quan...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO