Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Bảo đảm tính ổn định và chất lượng

- Thứ Ba, 08/06/2021, 07:34 - Chia sẻ
Ngay từ tháng đầu năm nay, Chính phủ đã thảo luận, thông qua đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Tuy nhiên, tại phiên họp mở rộng vừa qua, Thường trực Ủy ban Pháp luật và đại diện các cơ quan của Quốc hội đã đặt ra nhiều câu hỏi về tính ổn định, tính "gối đầu" của các dự luật dự kiến đưa vào chương trình năm 2022 và chất lượng, tiến độ các dự luật dự kiến điều chỉnh của chương trình năm 2021.

Không chất lượng thì không đưa vào chương trình

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp đôn đốc các bộ chủ động lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để đề xuất đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội năm 2022 và điều chỉnh chương trình năm 2021. Với nỗ lực của các bộ, ngành, cơ quan hữu quan, tại Phiên họp thường kỳ tháng 1.2021, Chính phủ đã thảo luận, thông qua đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại cuộc họp Ảnh: Thanh Hải
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu tại cuộc họp
Ảnh: Thanh Hải

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, các dự án luật được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trước hết để tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, 6, 7 và 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII, các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật… Ngoài ra, ưu tiên đưa vào các dự án luật để thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Việc đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng được xác định bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không đưa vào những dự án hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng; tránh dồn quá nhiều dự án luật vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoặc vào kỳ họp cuối năm nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng chuẩn bị các dự án luật. 

Bám sát các nguyên tắc nêu trên, tại Tờ trình mới nhất, Chính phủ đã đề nghị đưa 11 dự án luật vào chương trình năm 2022, trong đó, chuyển dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) từ chương trình năm 2021 sang năm 2022 và bổ sung dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Đối với chương trình năm 2021, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê.

Phải có tính dự báo 

Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình năm 2021 đã được Chính phủ thảo luận, thông qua từ ngay đầu năm. Hàng tháng, Bộ Tư pháp đều có văn bản đôn đốc. Như vậy, các bộ, ngành có ít nhất 4 tháng để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 tại Kỳ họp thứ Nhất tới đây.

Về nguyên lý là như vậy, nhưng điều khiến các thành viên Thường trực Ủy ban Pháp luật e ngại chính là tính ổn định của đề nghị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình năm 2021 được Chính phủ trình mới đây. Bởi, theo phân tích của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang, với 3 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được Quốc hội Khóa XIV yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, chắc chắn phải sớm có báo cáo Quốc hội. Trong đó, Luật Giao thông đường bộ nếu không tách thành hai dự án luật như đề xuất ban đầu thì vẫn phải sửa đổi luật hiện hành để phù hợp với đòi hỏi thực tế, khắc phục hạn chế, bất cập thời gian qua. Bên cạnh đó, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) chưa được đưa vào dự kiến chương trình năm 2022 trong khi từ đầu năm 2022, việc hình thành tổ chức bảo vệ người lao động tại các doanh nghiệp đã phải thực hiện theo quy định mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi).   

Chất lượng hồ sơ các dự án luật được đưa vào dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cũng là vấn đề được Thường trực Ủy ban Pháp luật và đại diện một số ủy ban của Quốc hội quan tâm. Đơn cử như dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được đề nghị bổ sung nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong điều kiện nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, thương mại điện tử, phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới. Hồ sơ dự án Luật này đã được chuẩn bị cơ bản đáp ứng theo quy định tại Điều 37, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, cần rà soát, bảo đảm tính dự báo của các chính sách, cũng như nghiên cứu kinh nghiệm thế giới để có cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả.

Với 7 chính sách được đề xuất tại dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, một số chính sách chưa có giải pháp thực hiện rõ ràng, chồng chéo với quy định của bộ luật, luật liên quan... Đặc biệt, cần cân nhắc, làm rõ hơn chính sách về dự kiến hoàn thiện mô hình quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ Trung ương tới địa phương để phù hợp với Nghị quyết số 18 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. 

Bên cạnh đó, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) liên quan đến nhiều bộ luật, luật hiện hành. Vậy dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ nhìn ở góc độ nào, điều chỉnh ở mức độ nào để vừa không chồng chéo với các luật liên quan, vừa bảo vệ hiệu quả quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng? Nhà nước đứng ra bảo vệ hay tổ chức hiệp hội, thậm chí người tiêu dùng tự đứng lên bảo vệ quyền của mình còn Nhà nước chỉ hỗ trợ?... - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền đặt câu hỏi. 

Với nhiều vấn đề đặt ra về tính dự báo, tính "gối đầu" của dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và một số dự án luật cụ thể như đã nêu trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, các bộ, ngành cần bàn thật kỹ trước khi đề xuất xây dựng luật, khắc phục tình trạng xin rút khỏi chương trình hay lùi thời gian trình Quốc hội hoặc dù đáp ứng yêu cầu tiến độ nhưng lại không bảo đảm chất lượng. 

Thanh Hải