Góp ý dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045

Bảo đảm tính liên thông của hệ thống giáo dục quốc dân

- Thứ Sáu, 31/12/2021, 06:27 - Chia sẻ
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu góp ý tại phiên họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ngày 30.12 là phải đưa nội dung giáo dục nghề nghiệp vào Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2045 để bảo đảm tính liên thông của hệ thống giáo dục quốc dân và thực hiện một trong ba đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp

5 có, 2 chú trọng

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xây dựng theo các quan điểm chỉ đạo: Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, nhân bản, khoa học, hiện đại; Giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nền tảng phát triển bền vững; Phát triển giáo dục gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Giáo dục được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; Phát triển giáo dục phải cân đối cả phát triển số lượng, chất lượng và hiệu quả…

Trên cơ sở phân tích bối cảnh, cũng như thời cơ và thách thức, dự thảo Chiến lược đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời, công bằng và bình đẳng, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Dự thảo Chiến lược cũng đưa ra các mục tiêu và chỉ số phát triển cụ thể theo từng bậc học: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên.

Để đạt được các mục tiêu đặt ra, dự thảo Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có hoàn thiện thể chế; đổi mới công tác quản lý giáo dục; thực hiện công bằng trong tiếp cận giáo dục; phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; bảo đảm nguồn lực tài chính và cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục…

Theo GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo, dự thảo Chiến lược cố gắng đạt được 5 có2 chú trọng. Thứ nhất là có tầm nhìn, xác định hình ảnh xã hội Việt Nam vào năm 2045 và con người - chủ thể xây dựng xã hội đó, hệ thống giáo dục là công cụ, phương tiện để giúp chúng ta đạt được mục tiêu này. Thứ hai là có tính tổng thể. Thứ ba là có tính chiến lược, tức là đặt ra các mục tiêu trọng tâm, đột phá. Thứ tư là có căn cứ khoa học, các chỉ số đưa ra phải dựa trên các báo cáo phân tích, với hệ thống dữ liệu trong và ngoài nhà trường. Cuối cùng là có tính khả thi, các mục tiêu, chỉ tiêu cần cân nhắc khả năng đạt được. Còn hai điểm mấu chốt Ban soạn thảo thấy cần chú trọng là thu hẹp khoảng cách giữa nhóm học sinh đứng đầu và nhóm học sinh yếu thế, trong số các giải pháp được đề xuất có mở rộng mạng lưới và tăng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng. Bên cạnh đó, chú trọng tính thực tiễn đặt trong bối cảnh mà nó xảy ra để chúng ta chủ động chuẩn bị, trong đó xác định nhóm giải pháp đột phá là chuyển đổi số, với cam kết mạnh mẽ hơn dựa trên thực tiễn 2 năm qua.

Không thể tách riêng giáo dục nghề nghiệp

Đánh giá dự thảo Chiến lược đã được biên soạn công phu, khoa học, song nhiều đại biểu băn khoăn về việc thiếu mảng giáo dục nghề nghiệp. TS. Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng - Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, TS. Lê Trường Tùng - Trường ĐH FPT… đều cho rằng, phải “nhúng” mảng giáo dục nghề nghiệp vào chiến lược phát triển giáo dục chung, để bảo đảm tính liên thông, thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân. PGS.TS. Đỗ Văn Dũng chỉ ra rằng, chính khuyết điểm mang tính hệ thống này (tách riêng giáo dục nghề nghiệp) đã cản trở việc liên thông từ cao đẳng lên đại học thời gian qua, trong khi như TS. Vũ Ngọc Hoàng nói, nghề bậc cao liên quan đến giáo dục đại học.

Một số ý kiến nhấn mạnh, đây là chiến lược cấp quốc gia, cần có sự tham gia của các bên liên quan và xây dựng hệ sinh thái giáo dục mới, tránh sự phân mảnh hệ thống giáo dục. Cũng bởi đây là chiến lược quốc gia, theo GS.TS. Phạm Tất Dong, cần xác định quốc gia đang ở trình độ phát triển nào về giáo dục trong toàn bộ hệ thống giáo dục thế giới; đến năm 2030 và 2045, quốc gia cần đạt được mục tiêu nào về kinh tế - xã hội, và để đạt những mục tiêu ấy, giáo dục phải được ưu tiên phát triển lĩnh vực nào và trong lĩnh vực giáo dục đó, cần đạt mục tiêu nào…

Đặc biệt, phải thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, quan tâm và có giải pháp tương xứng, trong đó bảo đảm đầu tư nguồn lực cho giáo dục. “Trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn, cần có chính sách để huy động sức mạnh của khối tư nhân và nước ngoài đầu tư cho giáo dục - đào tạo” - TS. Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang góp ý.  “Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo sân chơi chung giữa trường công lập và trường ngoài công lập không vì lợi nhuận” - TS. Vũ Ngọc Hoàng nói.

Đỗ Vũ