Cần quy định phù hợp hơn về thành viên Đoàn giám sát
Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND lần này là nhằm tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn hoạt động giám sát và nội dung sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng của hoạt động giám sát. Do vậy, trong thảo luận tại Tổ về dự án Luật, các ĐBQH đã góp ý về nhiều nội dung tại dự thảo luật cũng như đề xuất một số nội dung khác cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để thực hiện hiệu quả hơn nữa mục tiêu đặt ra.
Trong đó, nhiều đại biểu nêu rõ, tại khoản 1, Điều 52 của Luật hiện hành quy định: Đoàn giám sát do Trưởng đoàn hoặc Phó trưởng Đoàn ĐBQH làm Trưởng đoàn và có ít nhất 3 ĐBQH là thành viên Đoàn ĐBQH tham gia Đoàn giám sát.
“Quy định này đang gây khó khăn cho những đoàn có ít ĐBQH nhưng lại chưa được sửa đổi lần này”, ĐBQH Phạm Đình Thanh (Kon Tum) nêu rõ.
Theo đại biểu, thực tế hiện nay trong 63 Đoàn ĐBQH, thì có trên 40 Đoàn có không quá 7 ĐBQH; một số đoàn chỉ có 5 ĐBQH. Các Đoàn ĐBQH này chỉ có một đại biểu chuyên trách ở địa phương, những đại biểu khác chủ yếu là kiêm nhiệm. Do vậy, việc thành lập Đoàn giám sát có từ 4 đại biểu trở lên, tức là gồm Trưởng đoàn và ít nhất 3 ĐBQH là thành viên luôn rất khó khăn, “có thời điểm không thực hiện được”, đại biểu Phạm Đình Thanh cho biết.
“Không thể nói thiếu đại biểu là chất lượng giám sát tại Đoàn ĐBQH địa phương bị ảnh hưởng”, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) khẳng định và nêu rõ thực tế, khi Đoàn ĐBQH tỉnh thành lập Đoàn giám sát thường mời đại diện Hội luật gia tại địa phương, một số luật sư am hiểu quy định pháp luật liên quan, đại diện Thường trực HĐND, các Ban của HĐND… tham gia đoàn.
Theo đại biểu, với những thành phần nêu trên, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố hoàn toàn có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Do vậy, trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND lần này, cần có quy định linh hoạt hơn về số lượng thành viên khi thành lập Đoàn giám sát để tạo điều kiện cho Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.
Để tạo điều kiện cho Đoàn ĐBQH các địa phương chủ động trong việc tổ chức hoạt động giám sát, đại biểu Phạm Đình Thanh cũng cho rằng, cần sửa đổi nội dung này theo hướng không quy định "cứng" số lượng các đại biểu trong Đoàn để bảo đảm sự linh động, đồng thời cũng không ảnh hưởng đến chất lượng của công tác giám sát.
Về thành phần đoàn giám sát chuyên đề của HĐND, ĐBQH Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) cho rằng, tại khoản 1 Điều 62 Luật hiện hành cần bổ sung quy định cụ thể hơn về cơ cấu, thành phần đoàn giám sát chuyên đề của HĐND, bổ sung quy định thành phần đoàn giám sát trong trường hợp phải vắng mặt cần thông báo trước và phải có giới hạn số lần vắng mặt khi được mời tham gia thành phần đoàn. Quy định này nhằm nâng cao tính tích cực và trách nhiệm của đại biểu HĐND khi được mời tham gia thành phần đoàn giám sát, hạn chế tình trạng ít tham gia hoặc tham gia nhưng gián đoạn, dẫn đến không phát huy hết vai trò của đại biểu đối với chuyên đề tham gia giám sát, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Phong cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 62 Luật hiện hành theo hướng bổ sung nhiệm vụ cho Đoàn giám sát là xây dựng đề cương báo cáo để làm căn cứ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện báo cáo; ban hành kế hoạch giám sát. Quy định này nhằm khẳng định tầm quan trọng của đề cương báo cáo và yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải báo cáo theo đúng đề cương, mục đích mà cuộc giám sát hướng đến, tránh báo cáo lan man, không đúng trọng tâm, làm ảnh hưởng đến nội dung và chất lượng cuộc giám sát.
Tạo điều kiện để người dân giám sát hoạt động của Quốc hội
Tại khoản 59, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 89 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành theo hướng “chương trình, kế hoạch giám sát, báo cáo kết quả giám sát, nghị quyết về giám sát, kết luận, kiến nghị giám sát và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát phải được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật”.
Về nội dung này, các ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai), Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long), Trần Nhật Minh (Nghệ An)… đề nghị, cần sửa đổi theo hướng quy định rõ việc đăng tải công khai toàn văn các nghị quyết, kết luận, việc thực hiện nghị quyết, kết luận giám sát trên Cổng thông tin điện tử của của cơ quan tiến hành giám sát để bảo đảm hơn nữa việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Đồng thời, đề xuất bổ sung công khai toàn văn chương trình, kế hoạch giám sát, báo cáo kết quả giám sát trên Cổng thông tin điện tử của của cơ quan tiến hành giám sát để tạo sự minh bạch, rõ ràng, tạo điều kiện để người dân giám sát các hoạt động của Quốc hội, HĐND và của ĐBQH.
“Hiện nay, có những cơ quan chỉ đăng tải tóm tắt nội dung trong báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Điều đó không phản ánh hết được thực tiễn và cũng có thể có những tác động, ảnh hưởng đến quyền lợi của tập thể, cá nhân liên quan”, đại biểu Sùng A Lềnh nêu thực tế.
Đối với khoản 3 Điều 89 của Luật hiện hành, đại biểu Sùng A Lềnh cũng đề nghị, cần bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn hình thức xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, bảo đảm chế tài chặt chẽ, tăng hiệu quả giám sát cho HĐND.
Đối với vấn đề giám sát của những đơn vị không tổ chức HĐND, trong thảo luận tại Tổ về dự án Luật này, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết bổ sung quy định về giám sát của những đơn vị không tổ chức HĐND tại dự thảo Luật. Các đại biểu cũng tán thành với quy định tại dự thảo Luật. Theo đó, trong trường hợp này, HĐND của cơ quan hành chính cấp trên sẽ trực tiếp thực hiện giám sát đối với cơ quan hành chính cấp dưới; đồng thời, Đoàn ĐBQH cũng có trách nhiệm giám sát nội dung này.