Bảo đảm sắp xếp tinh gọn, hợp lý các cơ quan của Quốc hội
Phát biểu tại phiên thảo luận của Tổ 2 (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW về tinh gọn tổ chức bộ máy đã được ban hành qua 8 năm, đã có sơ kết nhưng kết quả thực hiện chưa được như mong muốn.
Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp và thống nhất rằng, đích của chúng ta là bộ máy phải tinh gọn nhưng cũng phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Như vậy, sau sắp xếp, bộ máy mới phải hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Sau khi rà lại, chúng ta thấy vướng ở hơn 5.000 văn bản luật và dưới luật. Trong đó, có hơn 200 luật cần sửa đổi, bổ sung. Tại kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội tập trung sửa đổi, bổ sung 4 luật và 5 nghị quyết nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, tạo tiền đề cho việc thực hiện đổi mới sắp xếp bộ máy.
![Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồ Long chu-tich-nuoc-luong-cuong2-8554.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667bcf67983a975de03094ca42e56ec7d90a5bb54c67b5ea619cdcdabb3ac9f847d1226d17397c6171d650715ff8dd8b4f34/chu-tich-nuoc-luong-cuong2-8554.jpg)
Nhấn mạnh việc sửa đổi các luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Chủ tịch nước cho rằng, để thực hiện được mục tiêu đã đề ra thì mọi cấp, mọi ngành, mọi người trong toàn Đảng và hệ thống chính trị đều phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa. Chủ tịch nước đề nghị, với kinh nghiệm công tác thực tiễn phong phú, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, bảo đảm việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy diễn ra thuận lợi, thông suốt.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có nhiều điểm mới nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
![Quang cảnh thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồ Long hop-to21-6235.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667b39c5dec936886ebcc0a91f04ae0d67c798292a32d292b44f61930447fc485bb6/hop-to21-6235.jpg)
Dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung quy định về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; sửa đổi, bổ sung các quy định về Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; điều chỉnh một số nội dung có liên quan đến việc phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động từ năm 2016 đến nay có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng nhấn mạnh, một điểm rất mới và đáng chú ý của dự thảo Luật đó là không quy định cụ thể tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội mà sau khi Quốc hội xem xét, ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội, Nghị quyết về số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của các cơ quan của Quốc hội, bao gồm cả đơn vị chuyên môn giúp việc.
Như vậy, việc xác định cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan của Quốc hội sẽ rất nhanh, linh hoạt hơn vì chỉ cần sửa nghị quyết mà không cần sửa luật. Với xu hướng sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống chính trị, trong đó có các cơ quan của Quốc hội như hiện nay, thì sẽ có những cơ quan của Quốc hội phụ trách lĩnh vực rất lớn, rất rộng, khối lượng công việc sẽ rất nhiều. Do vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, cần tính toán, phân chia chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan của Quốc hội nhằm bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Mạnh dạn trao quyền nhiều hơn cho địa phương
Cho ý kiến về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật. Thống nhất với việc bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh nêu thực tế, thống kê trong 3 năm, chính quyền cấp xã của TP. Hồ Chí Minh chỉ ban hành khoảng 13 văn bản quy phạm pháp luật, số lượng văn bản được ban hành của cấp này chủ yếu theo quy chế mẫu của cấp huyện, thành phố hoặc “chế lại” các quy định của cấp trên, cho nên việc bỏ nội dung này là phù hợp.
![ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long hop-to-0506-3757.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667b39c5dec936886ebcc0a91f04ae0d67c72c148dcc25de2ab215d912a5630946b3/hop-to-0506-3757.jpg)
Góp ý vào Điều 21 dự thảo Luật về các nội dung thuộc phạm vi thẩm quyền Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh nhận thấy, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã bỏ nội dung “các biện pháp đặc thù”. Thực tiễn thời gian qua, HĐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết để quy định nhiều biện pháp đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chăm lo cho nhiều nhóm đối tượng đặc thù của thành phố. Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc nội dung này.
![Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: Hồ Long hop-to-0505-8467.jpg](https://cdn.daibieunhandan.vn/images/66f6cb1ffc789f81c811f5f3f001667b39c5dec936886ebcc0a91f04ae0d67c7b4410432bc4f25ab62293355ccb6913e/hop-to-0505-8467.jpg)
Cũng quan tâm đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, dự thảo Luật cần thể chế hoá quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, cần mạnh dạn trao quyền nhiều hơn cho địa phương trong việc ban hành các biện pháp đặc thù nhằm giải quyết những vấn đề dân sinh của thành phố. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, đi đôi với việc trao quyền nhiều hơn cho địa phương trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần mở rộng năng lực xây dựng chính sách cho chính quyền địa phương ở một số lĩnh vực nhất định.