Bảo đảm tinh gọn, nâng cao chất lượng bộ máy sau sắp xếp, sáp nhập
Giám sát việc quản lý, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị, địa phương sau sắp xếp, sáp nhập, Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất, liên thông và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quản lý, tổ chức bộ máy. Đồng thời, có giải pháp xử lý "đứt gãy" độ tuổi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); tạo động lực sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính nói riêng, tinh gọn và nâng cao chất lượng bộ máy nói chung.
Tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng công vụ
Theo đánh giá của Đoàn giám sát, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc, triển khai đồng bộ, phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế, bảo đảm giải quyết các công việc cũng như nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã giảm 52 đơn vị, còn 225 đơn vị hành chính; giảm 69 đơn vị sự nghiệp công lập xuống còn 1.000 đơn vị... Việc sắp xếp các đơn vị hành chính góp phần cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và trách nhiệm công vụ của CBCCVC tại những đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

Các địa phương trên địa bàn cũng nghiêm túc triển khai việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, thực hiện chính sách hỗ trợ đối với CBCC cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư. Tổng số CBCC cấp xã ở các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp, sáp nhập là 1.532 người; đến thời điểm hiện tại, còn 338 trường hợp thuộc diện dôi dư. Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trước sáp nhập là 876 người; số dôi dư sau khi sáp nhập là 596 người. Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được hỗ trợ, giải quyết chế độ theo quy định của Nghị quyết số 11/2019 của HĐND tỉnh.
Đoàn giám sát cũng đánh giá, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã góp phần giảm bộ máy quản lý cũng như giảm chi ngân sách nhà nước; từng bước góp phần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị làm việc của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp chặt chẽ trong tham mưu, đề xuất thực hiện quản lý tổ chức bộ máy; công tác thanh, kiểm tra việc quản lý tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng đất và tài sản sau sắp xếp, sáp nhập của các cơ quan, đơn vị, địa phương được quan tâm thực hiện. Qua đó, ngăn ngừa, hạn chế các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kịp thời phát hiện các quy định, kế hoạch hoạt động của đơn vị không còn phù hợp, không khả thi để đề nghị khắc phục, điều chỉnh...
Không để thiếu hụt đội ngũ kế cận
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát cũng đánh giá, việc sắp xếp đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị phần nào tác động đến mô hình quản lý đô thị và bộ máy quản lý nhà nước ở những đơn vị này, do trình độ quản lý CBCC giữa các đơn vị có sự khác biệt và chênh lệch nhất định. Công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với CBCCVC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư còn khó khăn; số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều, nhất là các địa phương sắp xếp từ 3 - 4 đơn vị hành chính thành 1 đơn vị. Hiện, số lượng công chức xã còn dôi dư nhiều; dự báo đến hết năm 2024, dù đã cố gắng bố trí tích cực, có thể vẫn còn khoảng 166 trường hợp khó sắp xếp...
Về công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030, Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ đề nghị, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, thực hiện theo Kết luận số 48-KL/TW, ngày 30.1.2023 của Bộ Chính trị. Trong đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị; xác định rõ đối tượng, bước đi, lộ trình phù hợp nhất, bảo đảm sự đồng thuận của Nhân dân, tránh gò ép, nóng vội chạy theo số lượng, với phương châm lấy hiệu quả lâu dài và chất lượng phục vụ Nhân dân làm mục tiêu cơ bản nhất. Đồng thời, khuyến khích các địa phương chủ động đề xuất sắp xếp đơn vị hành chính tinh gọn, phù hợp với thực tiễn.
Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế, Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ đề nghị: UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ, thống nhất, liên thông và có sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp trong quản lý tổ chức bộ máy; tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu trong rà soát, xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cho giai đoạn sau. Trong đó, việc sắp xếp, xử lý cán bộ, công chức dôi dư cần xem xét quy hoạch cán bộ địa phương, có giải pháp xử lý vấn đề "đứt gãy" độ tuổi của đội ngũ CBCCVC. Do cả thời gian dài không tuyển dụng mới nên đội ngũ CBCCVC không được trẻ hóa thường xuyên, nếu không có kế hoạch, lộ trình bù đắp, khắc phục từ sớm thì có thể dẫn đến sự thiếu hụt về đội ngũ kế cận có chuyên môn tốt, có quá trình rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm phù hợp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu, đề xuất có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với CBCCVC, người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ việc do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển hoặc tự nguyện thôi việc, nghỉ công tác chờ đủ tuổi nghỉ hưu; đào tạo lại, bồi dưỡng nguồn nhân lực... tạo động lực, khuyến khích thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính nói riêng, tinh gọn và nâng cao chất lượng hoạt động thường xuyên của bộ máy nói chung. Đồng thời, tăng cường thanh, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quản lý tổ chức bộ máy, không để xảy ra tình trạng một vị trí việc làm sử dụng quá nhiều CBCC...
Đối với các địa phương, Đoàn giám sát đề nghị, tăng cường tuyên truyền, quán triệt, vận động, làm tốt công tác tư tưởng cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sắp xếp, sáp nhập để tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện; lắng nghe, tiếp thu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, CBCCVC để đưa ra phương án sắp xếp, sáp nhập phù hợp.