Bảo đảm tính giải trình

Lê Anh 07/03/2014 08:42

Hoạt động giám sát của hội đồng địa phương ở các nước trước hết nhằm bảo đảm tính giải trình của chính quyền địa phương.


Tính giải trình (accountability) được định nghĩa là nghĩa vụ của cơ quan, cá nhân phải trả lời trước cơ quan, cá nhân khác có thẩm quyền về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình được giao. Trong những năm gần đây, do quy mô, mức độ can thiệp của nhà nước vào đời sống xã hội ngày càng tăng, với tư cách là thiết chế duy nhất đại diện cho nhân dân ở địa phương, hội đồng càng đóng vai trò trung tâm trong việc áp đặt trách nhiệm giải trình từ phía bộ máy công quyền đối với nhân dân. Mặt khác, cũng chính xu hướng đó yêu cầu phải có nhiều hơn các phương thức, công cụ giám sát đa dạng, càng phải cải tiến và sử dụng các hình thức giám sát khác nhau, giúp cho tập thể hội đồng và cá nhân đại biểu hội đồng có cơ sở phản biện đối với hành chính địa phương và buộc cơ quan này giải trình.

Giải trình nhằm buộc cơ quan hành chính địa phương phải hoàn thành trách nhiệm của mình, và khi có vấn đề xảy ra hoặc có than phiền từ dân, phải sẵn có cơ chế buộc các cơ quan đó phải giải trình về hành động hoặc không hành động của mình. Khác với trách nhiệm phải làm, giải trình hàm ý báo cáo, giải thích về những gì đã làm hoặc không làm theo trách nhiệm đó. Các kênh buộc chính quyền phải giải trình gồm: giải trình trước tòa án, khi các quyết định và hành vi của cơ quan hành chính địa phương có thể bị kiện ở tòa; giải trình trước công chúng trong các kỳ bầu cử và qua báo chí; giải trình trước hội đồng. Ở nhiều nước, giải trình của hành chính trước hội đồng chủ yếu mang tính chất chính trị, vì đó là giải trình về thực hiện chính sách, trước một thiết chế do nhân dân bầu lên.

Theo một báo cáo nghiên cứu ở Anh về giải trình, giải trình gồm có bốn yếu tố: thứ nhất, giải thích về những gì đã và đang diễn ra, ví dụ trong các báo cáo thường niên; thứ hai, cung cấp thông tin bổ sung về hoạt động khi có yêu cầu, ví dụ cho một tiểu ban của hội đồng địa phương; thứ ba, rà soát hoạt động, hệ thống, cách làm, sửa đổi, thay đổi theo yêu cầu; thứ tư, sử dụng các thẩm quyền, chế tài để buộc đối tượng chịu trách nhiệm giải trình cam kết đạt được sự thay đổi tích cực.

Không phải mọi công cụ giám sát đều đạt được các yếu tố này ở mức độ như nhau. Chẳng hạn, các báo cáo thường niên có ưu điểm giải thích có hệ thống về quá trình hoạt động của các cơ quan cung cấp dịch vụ công ở địa phương, nhưng người đọc báo cáo không thể tiếp tục yêu cầu giải thích thêm. Các phiên hỏi đáp ở hội đồng có thể tìm kiếm, “moi ra” các thông tin bổ sung cụ thể. Còn các phiên điều trần của hội đồng có thể là kênh hiệu quả và có hiệu lực trong việc áp đặt trách nhiệm giải trình đối với hành chính. Hoạt động giám sát này có thể đạt được cả bốn yếu tố của giải trình nói trên, từ việc yêu cầu giải thích về những gì các ngành đã làm, cung cấp thêm thông tin về những điểm chưa rõ, rà soát hiện trạng, đưa các kiến nghị sửa đổi. Đặc biệt, các phiên điều trần thích hợp để nghe lập luận, giải thích về các hành động đã diễn ra, cũng như yêu cầu cam kết sửa chữa, điều chỉnh những mặt chưa được từ phía hành chính địa phương.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo đảm tính giải trình
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO