Tham dự Hội thảo có đại diện Thường trực Ủy ban Kinh tế, đại diện Tòa án Nhân dân tối cao, đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính; các chuyên gia, đại diện Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, Văn phòng Đoàn luật sư TP. Hà Nội...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, phức tạp, có liên quan chặt chẽ tới nhiều luật khác nhau. Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật này, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến các đại biểu, chỉnh lý bước đầu, tổ chức lấy ý kiến nhân dân trên phạm vi cả nước. Các nội dung của dự án Luật nhận được sự quan tâm rất lớn của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó nhiều ý kiến đóng góp nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác trong hệ thống pháp luật.
Để có thêm thông tin phục vụ công tác thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý nhằm bảo đảm dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đạt chất lượng cao, Ủy ban Pháp luật tổ chức Hội thảo về vấn đề bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của Luật Đất đai với hệ thống pháp luật nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, thảo luận sâu về các vấn đề còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay.
Tại Hội thảo, đại diện các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, hiệp hội đã đưa ý kiến, thảo luận theo hai nhóm nội dung về tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật thuộc lĩnh vực dân sự, tố tụng dân sự, nhà ở, kinh doanh bất động sản, xây dựng; với các luật thuộc lĩnh vực đầu tư, đấu giá, tài chính, tín ngưỡng tôn giáo và thực tiễn ở địa phương. Trong đó, đánh giá chung về yêu cầu bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với hệ thống luật hiện hành, nhiều đại biểu lưu ý, chế độ pháp lý về đất đai không chỉ điều chỉnh ở trạng thái "tĩnh", xác định đất đai thuộc về ai, ai là người có quyền sử dụng và các quyền năng của chủ thể có quyền. Chế độ pháp lý về đất đai cần phải được tiếp cận ở trạng thái "động" vì không chỉ có quan hệ giữa người sử dụng đất với cơ quan có thẩm quyền mà còn giữa họ với cá nhân, tổ chức khác. Điều này dẫn đến một yêu cầu khách quan là, phải vừa bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quy định của hệ thống pháp luật, không tạo ra sự chồng chéo, mẫu thuẫn, nhưng cũng không để có khoảng trống pháp lý trong điều chỉnh về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, lợi ích tài sản khác hình thành từ thực hiện quyền sử dụng đất và quyền, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Một số ý kiến đề nghị, cần cân nhắc việc giữ Điều 28 của dự thảo Luật, quy định theo hướng người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này. Bởi, với quy định nêu trên, các điều khoản khác tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về nguyên tắc sẽ phải được điều chỉnh để tạo lên một hệ thống quy định thật chặt chẽ và chi tiết để điều chỉnh quan hệ dân sự liên quan đến quyền sử dụng đất đai từ thời điểm xác lập đến khi chấm dứt. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về nội hàm của quyền sử dụng đất, không điều chỉnh các vấn đề cần thiết khác, chưa phù hợp với nguyên tắc xây dựng pháp luật, đưa quyền sử dụng đất trở thành một tài sản không hoàn hảo ở góc nhìn pháp luật dân sự.
Một số ý kiến lưu ý, nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại Điều 4 dự thảo Luật chưa bao quát được các vấn đề pháp lý liên quan đến áp dụng pháp luật đối với tài sản gắn liền với đất, lợi ích tài sản khác hình thành từ thực hiện quyền sử dụng đất và quan hệ giao dịch giữa người sử dụng đất với chủ thể khác liên quan đến chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Đối với phạm vi quyền sử dụng đất, bên cạnh quyền sử dụng với mặt đất đang được điều chỉnh tại dự thảo Luật, một số chuyên gia đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu để làm rõ quyền của người sử dụng đất đối với không gian và lòng đất. Bởi nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận chủ sở hữu đất có quyền với lòng đất và không gian trên mặt đất ở thửa đất họ sở hữu, pháp luật chỉ đặt ra giới hạn khi cần thiết và chủ sở hữu đất phải tuân thủ nghiêm ngặt giới hạn đó. Mặt khác, Điều 175, Bộ luật Dân sự cũng quy định người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ ghi nhận, nghiên cứu kỹ càng các ý kiến tại Hội thảo; phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế để thực hiện thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Chính phủ hoàn thiện sau khi lấy ý kiến Nhân dân, để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tới đây.