Tuy nhiên, để bảo đảm tính bền vững cho nguồn thu ngân sách, tại phiên thảo luận Kỳ họp thứ 24, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện các giải pháp như: thúc đẩy phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), nâng cấp sân bay Thọ Xuân đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn để tạo nền tảng hạ tầng tốt, thuận lợi cho thu hút đầu tư... qua đó, kích thích tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp
Đa số các đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa thể hiện sự đồng tình với báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024. Các đại biểu cho rằng: năm 2024 tăng trưởng kinh tế đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực; các chỉ tiêu phát triển kinh tế, thu ngân sách, thu hút các dự án đầu tư trực tiếp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng là công nghiệp, tiếp đến là xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp...
Về thu ngân sách Nhà nước, nguồn thu nội địa, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt cao so với dự toán và chỉ tiêu được giao; một số khoản thu có tỷ trọng lớn và đạt cao so với dự toán như: thu tiền sử dụng đất; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu thuế bảo vệ môi trường; tiền thuế giá trị gia tăng mặt hàng dầu thô nhập khẩu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn...
Theo đại biểu Ngô Đình Hùng (Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa), năm 2024, với nhiều giải pháp quyết liệt, Thanh Hóa đạt được thành quả cao nhất về thu ngân sách từ trước tới nay với số thu dự ước đến hết ngày 31.12.2024 đạt 55.300 tỷ đồng, vượt 55% dự toán được giao; trong đó thu thuế xuất nhập khẩu đạt 21.000 tỷ đồng và thu thuế nội địa đạt 34.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đại biểu, qua theo dõi của ngành thuế, thu ngân sách của tỉnh nhiều năm nay vẫn phụ thuộc vào 2 nguồn thu chính là thuế nhập khẩu dầu thô của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và thu tiền sử dụng đất. Hai động lực chính này liên tục chiếm tới 64 - 69% tổng thu ngân sách toàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2024. Năm 2024, con số này ước tính là 68% khi Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn vận hành vượt công suất, nguồn dầu thô nhập cao hơn các năm trước.
Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới năm 2025 dự báo vẫn rất nhiều thách thức; các nguồn thu thuế từ Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và thu tiền sử dụng đất đã phát huy rất cao dư địa khai thác trong nhiều năm nay, đại biểu Hùng đề xuất để duy trì tốc độ tăng trưởng thu ngân sách các năm tiếp theo, cần thúc đẩy phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), nâng cấp sân bay Thọ Xuân đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn để tạo nền tảng hạ tầng tốt, thuận lợi cho thu hút đầu tư.
Đối với phát triển hạ tầng KCN, CCN, toàn tỉnh hiện có Khu Kinh tế Nghi Sơn với 23 phân KCN. Ngoài ra, theo quy hoạch tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh có 19 KCN và 126 CCN. Tuy nhiên, “bức tranh” hạ tầng KCN, CCN vẫn còn dang dở khi mới chỉ có 7 KCN trong Khu Kinh tế Nghi Sơn gắn với các dự án lớn và 2 CCN đã hoàn thiện toàn bộ hạ tầng; 6/8 KCN ngoài Khu Kinh tế Nghi Sơn đã có nhà đầu tư hạ tầng nhưng chưa được đầu tư đồng bộ theo đúng quy định.
Khẳng định công nghiệp là một trong những lĩnh vực đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Lê Minh Nghĩa (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa) nhận định, để có mức tăng trưởng đứng thứ 2 cả nước, lĩnh vực công nghiệp đóng góp tới hơn 50%, điều này cho thấy kinh tế của tỉnh dựa nhiều vào công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây cơ cấu sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh chưa có nhiều thay đổi, vẫn là những sản phẩm truyền thống được mở rộng sản xuất, gia tăng sản lượng, chưa thu hút được sản phẩm mới. Một số sản phẩm mới gia tăng không đáng kể. Đây là một trong những hạn chế, bất cập cần sớm được khắc phục để tạo xung lực cho sự phát triển.
Đại biểu Lê Minh Nghĩa cũng chỉ rõ, tiến độ triển khai ở nhiều KCN, CCN có tiến triển, song vẫn còn chậm, dẫn đến thiếu mặt bằng để thu hút các dự án đầu tư. Vấn đề này đã được tỉnh, ngành chức năng nhận diện rõ và đã có sự chỉ đạo, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng. Do đó, những tiền đề và điều kiện để phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành một tỉnh công nghiệp vẫn còn hạn chế, bấp cập, cần sớm được tháo gỡ.
Tại phiên thảo luận, một số đại biểu HĐND tỉnh gợi nhớ một trong những cột mốc đáng nhớ đối với thu NSNN của tỉnh là năm 2022, lần đầu tiên Thanh Hóa chính thức nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có số thu ngân sách từ 50 nghìn tỷ đồng trở lên, với tổng thu cụ thể là hơn 52 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, thu từ xuất nhập khẩu hơn 20 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2023, do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu đến từ việc sụt giảm các nguồn thu từ đất, dầu thô, Thanh Hóa “tụt hạng”, rời khỏi bảng xếp hạng với số thu đạt gần 42 nghìn tỷ đồng. Bước sang năm 2024, dự báo về những khó khăn, thách thức đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung tiếp tục gia tăng bởi những biến động về chính trị, kinh tế trong nước và quốc tế. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, bảo đảm giữ vững cân đối NSNN là thông điệp liên tục được Chính phủ nhấn mạnh trong các quyết sách điều hành dự toán NSNN. Số thu ước đạt trên 55.000 tỷ đồng đến 31.12.2024 đang cho thấy sự tăng trưởng, chuyển động tích cực, bền vững của nền kinh tế; đồng thời phản ánh nỗ lực, cố gắng từ phía cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Quan tâm những vấn đề sát với đời sống người dân
Thực tế, trong chương trình nghị sự tại các kỳ họp của HĐND tỉnh Thanh Hóa, người dân và doanh nghiệp luôn nằm ở vị trí trung tâm. Do đó, bên cạnh việc thảo luận về các phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu về tăng trưởng kinh tế thì nhiều vấn đề an sinh xã hội, gỡ khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được các đại biểu HĐND tỉnh đặc biệt quan tâm.
Thảo luận tại kỳ họp này, đại biểu Lê Hữu Quyền (Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa) nhận định, những năm gần đây, Thanh Hóa luôn nằm trong top đầu khu vực về thu ngân sách Nhà nước. Từ nguồn tăng thu - tiết kiệm chi, tỉnh đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng các KCN, CCN; đầu tư hạ tầng du lịch để nuôi dưỡng nguồn thu cho tương lai và một phần đầu tư cho kết cấu hạ tầng xã hội, dân sinh, như: điện, đường, trường, trạm để người dân trong tỉnh được thụ hưởng những thành quả phát triển của tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh kéo theo sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang làm công nghiệp và dịch vụ. Một bộ phận người dân không còn đất để sản xuất hoặc không thể tham gia vào thị trường lao động; một bộ phận tham gia vào thị trường lao động nhưng bị sa thải do nhiều nguyên nhân, nhất là lao động nữ ngành may mặc và giầy da. Thực trạng này đang khiến đời sống của một bộ phận người dân còn bấp bênh, sinh kế không ổn định. Do đó, đề nghị tỉnh cần quan tâm dành một phần từ nguồn tăng thu để tạo sinh kế cho người dân. “Năm 2024, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 12.000 lao động; xây dựng, cải tạo, nâng cấp gần 67.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; hỗ trợ mua, xây mới, sửa chữa, cải tạo hơn 100 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp... góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả này cho thấy chính sách tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội đang là điểm sáng trong các chính sách an sinh xã hội những năm qua, chính sách này đã “đúng” và “trúng” với nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân” - đại biểu Quyền khẳng định.
Còn đại biểu Trịnh Thị Hoa (Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa) quan tâm đến việc tiếp cận các dự án nhà ở xã hội của người lao động trên địa bàn tỉnh. Theo đại biểu, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 dự án xây dựng nhà ở xã hội đã được cấp phép xây dựng, khởi công xây dựng, với số lượng khoảng 8.748 căn hộ; trong đó, đã đưa vào sử dụng 2.197 căn.
Nhằm tạo điều kiện để người dân sớm tiếp cận được với nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị cần có cơ chế, nguồn lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để đoàn viên, hội viên, người dân biết về các dự án nhà ở xã hội đang xây dựng và mở bán. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cần sớm cân đối nguồn địa phương (bao gồm vốn đầu tư công, vốn đầu tư phát triển khác, kinh phí thường xuyên ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội) để các đối tượng đủ điều kiện được thuê, mua nhà ở xã hội.
Cơ quan chức năng cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, khảo sát đối tượng mua nhà ở xã hội nhằm bảo đảm đúng đối tượng; xác định giá và các chính sách ưu đãi hỗ trợ người lao động (nếu có) đã phù hợp với thu nhập của người lao động hay chưa. Đại biểu Hoa nhấn mạnh: “Nếu làm tốt hạ tầng kỹ thuật sẽ thu hút được doanh nghiệp và nếu đầu tư được hạ tầng nhà ở xã hội cho người lao động tại các khu công nghiệp để người lao động yên tâm cống hiến, thì sẽ thu hút được lực lượng lao động về làm việc tại tỉnh”.
Thúc đẩy khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo Đại biểu Lê Văn Châu (Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa), trong những năm qua phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển và được lan tỏa rộng rãi. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 2.000 mô hình thanh niên khởi nghiệp hoạt động hiệu quả. Qua khảo sát cho thấy, nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế của thanh niên có ý tưởng, dự án, khởi nghiệp sáng tạo khả thi năm 2023 trên địa bàn tỉnh là 95,7 tỷ đồng, năm 2024 là 50 tỷ đồng. Trong khi đó, nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên, khởi nghiệp, lập nghiệp hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh qua Ngân hàng Chính sách xã hội mới đạt 4,4%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (12,6%).
Trong khi đó, nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại lãi suất cao; việc tiếp cận các nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn do thanh niên tuổi đời còn trẻ, chưa có tài sản thế chấp. Theo đó, đại biểu Châu cho rằng, HĐND tỉnh cần quan tâm tăng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách tỉnh qua Ngân hàng Chính sách xã hội để tăng thêm các nguồn vốn hỗ trợ cho thanh niên nói riêng, người dân nói chung được tiếp cận vay vốn phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, rà soát, tiếp tục xây dựng, ban hành các văn bản, kế hoạch về công tác đào tạo và dạy nghề; rà soát, chỉnh sửa danh mục ngành nghề đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; chuẩn hóa và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo nghề; triển khai cơ chế hợp tác giữa trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nghiên cứu với các tổ chức kinh tế; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động theo hướng hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại biểu Cao Tiến Đoan (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa) nêu thực tế, hiện nay giá vật liệu xây dựng là một trong những điểm nóng, mối quan tâm lớn nhất đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nguyên nhân chính được xác định là do chênh lệch giữa bảng giá thông báo của tỉnh so với giá thực tế. Mặt khác, việc cấp phép khai thác vật liệu xây dựng tại các mỏ có trữ lượng cấp ra còn thấp so với nhu cầu, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng về nguyên vật liệu, không đáp ứng đủ cho các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Do đó, đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá đúng thực trạng cung cầu để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cấp phép đủ trữ lượng vật liệu tại các mỏ, giúp doanh nghiệp hoàn thành tiến độ dự án một cách an toàn, thuận lợi.
Bên cạnh khó khăn về giá vật liệu xây dựng, hiện nay các doanh nghiệp bị coi là nợ đọng tiền đất, nhưng trên thực tế dự án đang được UBND tỉnh giao cho các sở, ngành liên quan rà soát pháp lý, nên việc giao đất cho doanh nghiệp không thể tiến hành, nhưng cơ quan thuế vẫn tiếp tục áp dụng thu tiền sử dụng đất, vẫn treo nợ, phạt chậm nộp tiền đất, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp vẫn phải chịu nợ đọng tiền đất trong thời gian dự án đang rà soát. Điều này gây khó khăn, bất cập, ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nhiệp, nhà đầu tư. Để tránh tình trạng “ngành nào biết ngành đó”, thiếu sự liên thông và cập nhật đồng bộ trong hệ thống, đại biểu đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, sớm có giải pháp thiết thực, giải quyết kịp thời vấn đề này.
Cũng theo đại biểu, trên địa bàn tỉnh, hiện có 38 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập, nhưng chỉ có 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động có phát sinh doanh thu, 17 nghìn doanh nghiệp đã thành lập nhưng không phát sinh doanh thu. Vì vậy, đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá kịp thời, có những giải pháp cụ thể để đưa doanh nghiệp đi vào hoạt động thực chất hơn.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa Lê Tiến Lam đánh giá cao ý kiến thảo luận của các đại biểu. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khẳng định: các ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh đã làm nổi bật những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là những khó khăn, thách thức trước mắt. Các đại biểu HĐND tỉnh cũng đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm, căn cơ để bảo đảm tốc độ tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; bảo đảm sự ổn định nguồn thu - chi ngân sách, tạo cân bằng xã hội; bảo đảm ổn định đời sống của người dân. Các đề xuất, kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh sẽ là nguồn tham khảo chất lượng để UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành thắng lợi mục tiêu năm 2025 và của cả nhiệm kỳ.