Hành vi đa dạng, có chiều hướng tăng
Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em có chiều hướng tăng về số vụ, tính chất và mức độ, đa số là xâm hại tình dục trẻ em. Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, đối tượng là những người có quan hệ họ hàng thân thiết, quen biết với gia đình nạn nhân hoặc do truy cập các trang mạng đồi trụy nên tò mò về giới tính dẫn đến xâm hại tình dục.
Các đối tượng thường nhắm vào nạn nhân là trẻ em sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, gia đình không hoàn hảo, bố, mẹ ly thân, ly hôn, bố mẹ đi làm thuê xa, bố mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật..., gia đình có bố mẹ quá bận rộn không dành nhiều thời gian để chăm sóc con.
Tiếp đó, đối tượng tạo niềm tin với nạn nhân là trẻ em, lợi dụng sự non trẻ và thiếu khả năng tự bảo vệ như học sinh tiểu học, trẻ mầm non… để tiếp cận cho quà bánh, cho lợi ích vật chất, dành thời gian quan tâm, đưa trẻ đi ăn uống... Từ đó, trẻ em tin tưởng vào các đối tượng và dễ dàng bị các đối tượng lợi dụng xâm hại tình dục.
Bên cạnh đó, một số đối tượng sử dụng mưu mẹo để thuyết phục trẻ giữ lời hứa hoặc đe dọa, ép buộc trẻ không tiết lộ về hành vi bị xâm hại với người khác. Đối tượng sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo... để kết bạn, tiếp cận và dụ dỗ trẻ em quan hệ tình dục.
Đặc biệt, tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh An Giang ngày càng có xu hướng liều lĩnh và manh động. Đáng chú ý là những đối tượng chưa thành niên phạm tội không những ở thành thị mà còn xảy ra ở nông thôn, vùng núi, vùng người dân tộc thiểu số sinh sống. Đối tượng gây án thường bột phát, phạm tội lần đầu, trình độ học vấn thấp phần lớn chỉ học đến tiểu học rồi bỏ học hoặc không biết chữ, không nghề nghiệp ổn định, lười lao động, ăn chơi đua đòi.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh An Giang, một số ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo một số đơn vị, địa phương còn tư tưởng xem công tác phòng ngừa tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật là nhiệm vụ của Công an. Công tác phối hợp phòng ngừa, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan người dưới 18 tuổi, giữa các ban ngành chưa được thường xuyên.
Thêm vào đó, người chưa thành niên thuộc lứa tuổi chưa nhận thức đầy đủ các vấn đề xã hội; đang giai đoạn hình thành nhân cách, suy nghĩ chưa chính chắn, dễ bị tác động, chi phối bởi những trào lưu mới của xã hội, kể cả cái xấu. Nhóm đối tượng này có tâm lý hiếu thắng, bốc đồng, muốn thể hiện mình, muốn được tự do, không muốn bị ràng buộc bởi gia đình hay xã hội và ở lứa tuổi này dễ tác động đến hành vi ứng xử, lối sống thực dụng, đua đòi dẫn đến phạm tội, nếu không được quản lý, giáo dục kịp thời.
6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh An Giang thụ lý, điều tra 70 vụ, liên quan 147 đối tượng là người chưa thành niên vi phạm pháp luật; so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 27 vụ (70/43 vụ), tỷ lệ tăng 62,8%.
Nhân rộng mô hình phòng chống tội phạm hiệu quả
Dự báo thời gian tới tình hình tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng, mang tính chất nghiêm trọng. Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang tiếp tục duy trì các mô hình phòng chống tội phạm như Tổ quản lý con em gia đình không tham gia các hoạt động tệ nạn xã hội; mô hình “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”; mô hình “Quản lý, giáo dục con, em, người thân trong gia đình không phạm tội, vi phạm pháp luật khác và tệ nạn xã hội”; mô hình “Quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật và có nguy cơ làm trái pháp luật tại cộng đồng dân cư”.
Xây dựng và nhân rộng mô hình “Quản lý giáo dục trẻ em hư, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng dân cư”, “Phong trào gia đình chấp hành pháp luật, con em không tham gia tệ nạn xã hội và không vi phạm pháp luật”.
Định kỳ 6 tháng, Công an tỉnh An Giang tổ chức đoàn kiểm tra tại các đơn vị, địa phương, trong đó lồng ghép kiểm tra việc thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em của Công an các đơn vị, địa phương. Công an các đơn vị, địa phương phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, xã hội tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chuẩn mực đạo đức lối sống, thông tin phương thức, thủ đoạn hoạt động của các tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật.
Nhiều văn bản chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương trong việc bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa phòng, chống xâm hại trẻ em đã được triển khai kịp thời. Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục có nhiều tác động tích cực, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn. Việc hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn tỉnh An Giang có quy trình phối hợp bài bản, nhờ đó thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả hơn.
Về vấn đề bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực, xâm hại, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Nguyễn Thị Bảo Trân cho biết, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định 3004/QĐ-UBND, ngày 24.12.2020 về việc ban hành quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên địa bàn tỉnh. Qua công tác phối hợp có nhiều thuận lợi và chuyển biến tích cực.
Bằng sự nghiêm túc, nỗ lực, tỉnh An Giang tiếp tục huy động, tăng cường sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành liên quan. Từ đó, nâng cao hiệu quả phòng chống bạo lực, xâm hại và bảo đảm tiến độ, kết quả giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, xét xử nghiêm minh đối tượng phạm tội.
Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, để tăng cường bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bạo lực, xâm hại, địa phương chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động. Trọng tâm đẩy mạnh truyền thông bằng phương pháp sắm vai thể hiện phiên tòa giả định và tọa đàm phòng, chống xâm hại trẻ em tại huyện, thị xã, thành phố. Các phiên tòa được phát trực tiếp trên hệ thống truyền thanh của huyện, xã. Hình thức này được tổ chức từ giữa năm 2023, đến nay đã có 1.700 người dân và học sinh tham dự.